Nhiều khả năng việc nhà sản xuất Trung Quốc đã tự ý thay đổi thiết kế tấm nền như làm bảng mạch bóng bán dẫn mỏng hơn đã bị Apple phát hiện.
Điều này có thể dẫn khiến Apple yêu cầu BOE ngừng sản xuất màn hình iPhone. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng gã khổng lồ xứ Cupertino muốn rút chuỗi cung ứng màn hình OLED khỏi Trung Quốc nhằm chủ động nguồn cung.
Hiện tại nhà máy B11 của BOE tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) vẫn đang hoạt động. TheELec cho rằng Apple nên tiếp tục hợp tác với nhà cung cấp này nhằm gây áp lực lên Samsung Display và LG Display, buộc họ giảm giá bán linh kiện.
Đầu năm nay, tại cuộc họp báo cáo tài chính, Samsung Display cho biết sẽ dùng các quyền sáng chế để bảo vệ hoạt động kinh doanh tấm nền OLED. Công ty này hiện là nhà cung cấp màn hình OLED lớn nhất cho Apple.
Samsung Display là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp tấm nền màn hình OLED cho điện thoại ở quy mô thương mại và dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế liên quan đến cấu trúc điểm ảnh, điện cực cảm ứng.
Thời gian gần đây, càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Apple muốn giảm dần sự lệ thuộc vào dây chuyển sản xuất tại Trung Quốc.
Theo Economic Times, Pegatron, một trong những đối tác gia công lớn nhất của Apple , chuẩn bị mở nhà máy sản xuất iPhone đầu tiên của họ tại Ấn Độ.
Đây sẽ là nhà máy sản xuất iPhone thứ 3 được mở tại quốc gia lớn nhất Nam Á trong vòng 5 năm qua, sau chi nhánh của Wistron và Foxconn. Ấn Độ cũng là đất nước duy nhất ngoài Trung Quốc có nhà máy lắp ráp iPhone.
Hiện tại Trung Quốc vẫn được xem là "công xưởng sản xuất iPhone của thế giới". Hầu hết nhà máy lắp ráp iPhone đều đặt ở đây. Tuy nhiên, những năm gần đây mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, nơi Apple đặt trụ sở chính, ngày càng xấu đi.