Ba cây cầu gần 50.000 tỷ có kế hoạch xây dựng, đất ven sông Hồng biến động mạnh
Dù mới chỉ phê duyệt đơn vị đầu tư, thậm chí có cây cầu mới chỉ là phương án "nằm trên giấy" nhưng giá đất khu vực quy hoạch cầu đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Cuối năm 2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thống nhất chủ trương thực hiện 3 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng bằng nguồn vốn ngân sách là cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi. Dự kiến, tổng mức đầu tư của cầu Tứ Liên hơn 19.000 tỷ đồng, cầu Trần Hưng Đạo khoảng 14.500 tỷ đồng, cầu Ngọc Hồi khoảng 11.500 tỷ đồng.
Về tiến độ và thời gian thực hiện các cây cầu này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Trần Sỹ Thanh cho biết, UBND thành phố đã có kế hoạch khởi công trước 2 cầu Tứ Liên và cầu Ngọc Hồi trong năm 2025. Thời gian được UBND TP. Hà Nội giao cho các Sở, ngành có liên quan và chủ đầu tư hoàn thành thủ tục, khởi công 2 dự án trong quý I hoặc II/2025.
Ba cây cầu trên dù mới được thống nhất chủ trương xây dựng song thời gian qua, giá bất động sản hai bên bờ sông Hồng đã tăng giá chóng mặt. Dường như người dân không còn e ngại bất động sản bên kia sông hay phải đi qua cầu nữa.
>> Dự kiến xây đường trên cao hơn 12.800 tỷ ở khu 'tam giác vàng' 3 tỉnh phía Nam
Cầu Tứ Liên bắt đầu từ xã Đông Hội, huyện Đông Anh sang đường Nghi Tàm quận Tây Hồ (khu vực khách sạn Thắng Lợi). Trên các trang rao bán BĐS, giá đất ở khu vực xã này dao động trong khoảng 80-250 triệu đồng/m2 tuỳ vào vị trí. Mặt đường to, ô tô giao nhau thoải mái lên đến 250-300 triệu đồng/m2.
Vào tháng 11/2024, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG) đã ký kết biên bản ghi nhớ, chính thức hình thành liên danh nhà thầu để tham gia đấu thầu dự án cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng).
Các dự án chung cư ở khu vực này cũng không hề rẻ. Một dự án cao cấp mới được chào bán với giá dự kiến khoảng 106-110 triệu đồng/m2. Cũng trong khuôn viên các khu đô thị mới, nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng trước mức giá bán nhà liền kề 274 triệu đồng/m2, biệt thự đơn lập lên tới 636 triệu đồng/m2.
Còn điểm đầu của cầu Tứ Liên thuộc đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ là một trong những quận có giá bất động sản cao chót vót khi tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, dự án chung cư hạng siêu sang. Thậm chí tại khu vực Hồ Tây, đường Nghi Tàm giá nhà không dưới 200 triệu/m2. Tại đây, nhiều nhà đất được rao đến 1 tỷ đồng/m2.
Đón đầu quy hoạch cầu Ngọc Hồi, giá đất Thanh Trì cũng có nhiều biến động. Huyện Thanh Trì là nơi có giá đất tăng cao nhất theo bảng giá mới ban hành của UBND TP. Hà Nội. Giá đất ở khu vực dự kiến xây cầu là xã Ngũ Hiệp lên tới 17,940 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá rao trên các trang mua bán bất động sản lại gấp 7,8 lần, dao động từ 70-trên 100 triệu đồng/m2.
Tại vị trí được xây dựng cầu Ngọc Hồi, xung quanh có rất nhiều đô thị lớn đã, đang triển khai, điển hình như: Vinhomes Đại An, Vinhomes Dream City, Khu đô thị Ecopark…
Đầu cầu Trần Hưng Đạo phía quận Long Biên nhộn nhịp hơn bởi quy tụ khá nhiều dự án bất động sản lớn như: Khai Sơn City, HC Golden City, KĐT Việt Hưng, KĐT Sài Đồng, Vinhomes Riverside...
Thông tin từ báo Giao Thông, giá bất động sản ở đây cũng tăng khá cao. Đơn cử dự án Khai Sơn City, căn liền kề 76,2m2, 5 tầng đang chào bán 15 tỷ đồng (196 triệu đồng/m2). Căn hộ tại dự án HC Golden City, diện tích 82m2, 2 phòng ngủ, 2 toilet, nội thất hoàn chỉnh, chào bán 6,2 tỷ đồng (70 triệu đồng/m2).
Các chuyên gia cho rằng, việc triển khai hạ tầng theo quy hoạch nói chung, đầu tư 3 cây cầu nói riêng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bất động sản nhờ rút ngắn quãng đường di chuyển vùng ven vào nội đô. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đầu tư nếu không phải nhu cầu ở thực.
>> Quận Cầu Giấy phê duyệt 22 dự án mới năm 2025: 3 tuyến đường mới, hàng loạt lô đất sắp đấu giá