TP trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam chốt thời gian thông tuyến cầu vượt nghìn tỷ
Lãnh đạo UBND TP này mới đây đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải thông tuyến công trình đúng với thời hạn để sớm đưa vào khai thác nhằm phục vụ người dân.
Mới đây, Văn phòng Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Huế cho biết ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND TP. Huế đã đi kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công dự án cầu vượt sông Hương.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, dự án này đã hoàn thành đến 90% khối lượng công việc.
Ngoài ra, những việc còn lại dù không nhiều nhưng mang tính tính chất về mỹ quan, phụ thuộc vào thời tiết, vì thế các đơn vị hiện đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để tiến hành thi công.
>> TP trẻ nhất tỉnh Quảng Ninh và tiềm năng là 'tọa độ' đầu tư BĐS lý tưởng
Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND TP. Huế đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp, đồng thời đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo chất lượng công trình cũng như tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động và môi trường.
Ngoài ra, cần tập trung giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với việc hỗ trợ người dân tái định cư, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân không bị ảnh hưởng.
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, cầu vượt sông Hương là công trình giao thông trọng điểm, không chỉ góp phần làm giảm tải áp lực giao thông mà còn tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị.
Do đó, lãnh đạo UBND TP. Huế yêu cầu dự án phải thông tuyến đúng với thời hạn vào ngày 26/3/2025 để sớm đưa vào khai thác, phục vụ người dân.
Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương có tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và địa phương.
Dự án này được khởi công vào ngày 23/12/2022 và dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 17/12/2025; đây là dự án thuộc tuyến đường Vành đai 3, trục giao thông chính xuyên tâm vào thành phố, đóng vai trò kết nối liên thông 2 đô thị vệ tinh.
Liên quan đến dự án này, cơ quan chức năng đã ban hành các thông báo để tiến hành thu hồi đất nhằm thực hiện dự án với tổng diện tích đất thu hồi là 35.705,5m2 (trong đó phường Phường Đúc ảnh hưởng 105 hộ, diện tích 12.953m2 và phường Kim Long ảnh hưởng 22 hộ, diện tích 22.752,5m2).
Công tác giải phóng mặt bằng hiện còn gặp khó khăn, chưa được giải quyết dứt điểm để chủ đầu tư thi công công trình đúng tiến độ.
Ngày 18/11/2024, UBND TP. Huế (cũ) nay được chia thành 2 quận Thuận Hóa và Phú Xuân đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với 4 trường hợp, đồng thời vận động, hỗ trợ tháo dỡ, di dời tài sản thêm 3 trường hợp và san ủi, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Tối 29/12, tại Quảng trường Ngọ Môn (TP. Huế) diễn ra lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023-2025.
Như vậy, từ ngày 1/1/2025, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam và là TP trực thuộc Trung ương "trẻ nhất" trên cả nước.
>> 'Trái tim' 35.000 tỷ của sân bay lớn nhất Việt Nam đang được dồn tổng lực để đạt dấu mốc lịch sử
Khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ chưa hoạt động đã có bước tiến ‘thần tốc’
Bình Định lý giải về việc quy hoạch khu công nghiệp hơn 820ha lớn nhất tỉnh