Ba vị quan trong đoàn sứ bộ Việt Nam sang Pháp năm 1863 được xem là những người Việt đầu tiên được chụp ảnh chân dung cá nhân.
Những người Việt Nam đầu tiên được chụp ảnh chân dung
Năm 1839, Viện Hàn lâm khoa học Pháp công bố phát minh của Louis Jacques Daguerre (1787 - 1851), người tìm ra kỹ thuật ghi hình và lưu giữ hình ảnh trên bề mặt kim loại, khởi đầu của kỹ thuật nhiếp ảnh. Thế nhưng, kỹ thuật nhiếp ảnh mãi đến nửa sau thế kỷ XIX mới được biết đến ở Việt Nam. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là ở thời điểm này đã có ba người Việt Nam đi vào lịch sử khi lần đầu tiên được chụp ảnh chân dung.
Theo tác phẩm “Như Tây sứ trình” thì các vị đại quan trong Đoàn sứ thần Đại Nam chụp ảnh riêng vào ngày mồng 8 tháng 8 năm Quý Hợi (tức ngày 20.9.1863) và ba người đứng đầu phái đoàn chính là những người Việt đầu tiên được chụp ảnh đó là: Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản
Theo đó, vào năm 1863, dưới thời vua Tự Đức, Hiệp biện Đại học sĩ Phan Thanh Giản, Lại bộ tả tham tri Phạm Phú Thứ và Thám hoa Án sát tỉnh Quảng Nam Ngụy Khắc Đản được cử lần lượt làm chánh sứ, phó sứ, bồi sứ sang Pháp để xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, mà triều đình đã ký nhượng cho Pháp. Ảnh của ba vị trong chuyến đi này được đăng trên Tập san Đô thành Hiếu cổ ở Huế vào năm 1926.
Có thể thấy, với kỹ thuật in tráng thời đó, những bức ảnh chân dung này không được rõ nét. Ngoài ra, Thư viện quốc gia Pháp còn công bố gần 70 bức ảnh chân dung của nhiều thành viên còn lại trong Đoàn sứ bộ Việt Nam tại Pháp năm 1863. Loạt ảnh này đã được thực hiện bởi 1 nhà nhiếp ảnh thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris là Jacques-Philippe Potteau nhằm mục đích nghiên cứu nhân chủng học.
Ông đã chụp ảnh các thành viên của sứ đoàn An Nam với các kiểu tư thế từ đứng, ngồi, chân dung, nhìn ngang, nhìn thẳng. Trên ảnh chân dung của các thành viên sứ đoàn An Nam còn ghi chú rõ các thông tin như tên tuổi, nơi sinh, nghề nghiệp.
Có thể nói, sứ bộ Việt Nam tại Pháp năm 1863 là những người Việt đầu tiên được chụp ảnh chân dung cá nhân.
Những ghi chép đầu tiên về cách thức chụp ảnh
Trong tác phẩm “Như Tây sứ trình” của mình, Ngụy Khắc Đản có chép sơ lược về cách chụp ảnh như sau: "Trước hết, lấy nước thuốc xoa trên một tấm kính rồi đặt kính vào ống kính, sau đó người được chụp đứng trước ống kính và quay mặt về ống kính; ánh sáng mặt trời lọt vào ống kính làm cho hình người in lên tấm kính, không sai một sợi tóc. Tục người Tây thích chụp ảnh nhất. Phàm những người mới quen biết nhau thì thích có ảnh của người quen; người trên, kẻ dưới đều như vậy vì người ta nói rằng, làm như vậy để tỏ ra không quên nhau... Tiền công chụp một tấm ảnh nhỏ là một quan, tấm lớn hơn là bốn, năm quan”.
Trong nhật ký của Phạm Phú Thứ, ông ghi lại cụ thể các buổi tập trung, việc chuẩn bị áo mũ của từng người để chụp ảnh. Máy chụp ảnh lúc đó khá kềnh càng, thao tác chậm nên mọi người được chụp nhiều lần, mặc đến mấy lượt áo quần, mũ mão mới có được bộ ảnh đúng yêu cầu.
Viết kỹ càng và cụ thể hơn về cách thức chụp ảnh là cuốn Đại Nam thực lục chính biên, sách viết: "Phép chụp ảnh phải có nhà riêng dùng kính che cả bốn mặt cho sáng mới phân biệt được râu, mày, hình dung, có giá để đồ chụp ảnh. Sau đó, bắt đầu cắm ống kính vào hòm máy, để lên trên giá, mở máy, bỏ cái nắp đậy ra, cho người ngồi trên cái ghế dựa trước ống kính, lấy cái trụ sắt đỡ đằng sau khăn ở đầu cho khỏi lay động, mới đem giá để máy chụp ảnh đưa đi đưa lại khiến cho bóng người ở trong hòm kính rõ ràng”.
Ông tổ của nhiếp ảnh Việt Nam
Người Việt đầu tiên được cử sang phương Tây học kỹ thuật chụp ảnh là Trương Văn Sán. Sau khi về nước vào năm 1878, ông đã được vua Tự Đức cho xây dựng cửa hiệu chụp ảnh ở thành phố Huế. Thế nhưng, đây mới chỉ hiệu ảnh thứ hai ở nước ta.
Hiệu ảnh đầu tiên ở Việt Nam là hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà, Hà Nội. Hiệu ảnh được lập năm 1869 bởi cụ Đặng Huy Trứ, một đại quan triều Nguyễn có tư tưởng canh tân. Ông đã hai lần sang Hương Cảng (Hồng Kông) – Trung Quốc vào năm 1865 và năm 1867 để mua súng đạn và xem xét tình hình tiếp nhận kinh tế, văn hóa phương Tây đang diễn ra tại đây.
Tại Hương Cảng, khi biết đến nhiếp ảnh ông đã chụp hai tấm ảnh ở đó rồi dò hỏi rất kỹ cách chụp, in tráng. Chính trong những chuyến đi đó ông đã học tập, tìm hiểu về nhiếp ảnh và truyền bá tại Việt Nam. Ông cũng được suy tôn là ông tổ của nghề nhiếp ảnh ở nước ta.
Vị vua đầu tiên được chụp ảnh
Cũng theo "Đại Nam thực lục", vị vua đầu tiên của triều Nguyễn cũng như chế độ phong kiến Việt Nam đầu tiên được chụp ảnh chân dung là vua Đồng Khánh.
Mặc dù chủ trương cho học tập nghề chụp ảnh và ưu ái nghề này nhưng vua Tự Đức có lẽ do những quan niệm lạc hậu về hồn vía nên ông đã không chụp bức ảnh nào. Chỉ đến đời vua Đồng Khánh, khi đã bớt nặng nề về quan niệm, lại được Pháp đề nghị chụp ảnh để gửi về Pháp "cho biết mặt, tỏ rõ tình giao hiếu", nên vua Đồng Khánh đã cho phép thợ ảnh chụp mình vào tháng Chạp năm Ất Dậu (tháng 1 – 1886). Bức ảnh vua Đồng Khánh sau đó được rửa lại làm hai bản, một gửi về Pháp, một nhà vua giữ lại.
>> Vị Công Tôn Nữ cuối cùng của triều Nguyễn, từng may gối cho vua Bảo Đại và Hoàng Thái hậu Từ Cung