Bà nội U60 quyết định làm IVF sinh đôi vì con cháu cả năm chỉ về thăm 1 lần: Xót xa cảnh neo đơn của người già Trung Quốc
Hai bé gái sinh đôi đã chào đời ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, cùng thời điểm mẹ của chúng chuẩn bị bước sang tuổi 60.
59 tuổi vẫn sinh con và câu chuyện phía sau
Gần đây, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao về trường hợp của người phụ nữ 59 tuổi sinh đôi hai con gái dưới sự hỗ trợ của công nghệ thụ tinh ống nghiệm IVF.
Hai bé gái sinh đôi đã chào đời ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, cùng thời điểm mẹ của chúng chuẩn bị bước sang tuổi 60. Theo nguồn tin từ Jiupai News, người phụ nữ họ Wang và chồng có một cậu con trai trưởng thành sống ở Bắc Kinh và cũng đã có cháu gái. Tuy nhiên, 2 vợ chồng bà là những người về hưu giàu có và họ đã tìm đến phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản với chi phí hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng 334 triệu đồng).
Nguyên nhân được chia sẻ là do họ cảm thấy ngôi nhà của mình giống như "quá trống vắng, 'ạnh lùng và vô hồn”. Gia đình cậu con trai thường chỉ đến thăm một hoặc hai lần trong năm. Khi biết tin về quyết định sinh thêm con của bố mẹ, con trai bà không ủng hộ cũng không phản đối việc này.
Người phụ nữ khẳng định không yêu cầu vợ chồng con trai chăm sóc những đứa con mới chào đời. Đồng thời, sẽ nuôi dưỡng tính độc lập cho hai cô con gái của mình với mục đích để chúng có thể tự đảm đương mọi công việc nhà trước khi 8 tuổi. Đồng thời nhấn mạnh hai vợ chồng đã dành dụm tiền tiết kiệm đủ để nuôi các con cho đến khi 20 tuổi.
"Ngay cả chúng lớn lên và chỉ trở thành những nhân viên bán hàng tại siêu thị với mức lương hàng tháng chỉ vài nghìn nhân dân tệ, điều đó cũng không tệ", bà Wang nói.
Các bình luận tràn ngập trên mạng xã hội Trung Quốc sau thông tin về sự ra đời của cặp song sinh, thu hút hơn 30.000 bình luận. “Liệu một người ở độ tuổi 60 có còn đủ sức để giáo dục một đứa trẻ không? Tôi nghi ngờ điều đó”, một bình luận trên mạng xã hội Douyin tỏ ra ngờ vực.
Một người khác lại lo lắng cho cậu con trai đã trưởng thành của cặp vợ chồng: “Khi hai vợ chồng này ngày một già hơn và nếu bệnh nặng, con trai họ không chỉ phải chăm sóc gia đình riêng mà còn phải chăm sóc cả cặp chị em song sinh này”.
Tuy nhiên vẫn có nhiều người đứng về phía bà Wang, họ bày tỏ sự cảm thông đối với hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình của những người cao tuổi: “Tôi nghĩ người phụ nữ này quá cô đơn”. “Nếu không, ai lại sẵn sàng chịu đựng những vất vả để sinh con ở độ tuổi xế chiều như vậy?”.
Giới trẻ Trung Quốc "thề" không sinh con
Ngược lại, một cuộc khảo sát trực tuyến tại Trung Quốc vào năm ngoái thực hiện trên hơn 20.000 người, đối tượng chủ yếu là phụ nữ thành thị trong độ tuổi từ 18 đến 25, cho thấy khoảng 2/3 trong số đó không muốn sinh con.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chi phí nuôi dạy con cái ngày càng tăng và việc thiếu các điều khoản phúc lợi là những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ sinh thấp ở Trung Quốc.
Nữ nghiên cứu 26 tuổi có tên Kongkong, người từng thề rằng sẽ không bao giờ có con cho biết: "Sẽ vô cùng tốn kém để mang lại cho con trẻ một cuộc sống đủ đầy. Tôi muốn gửi con đến trường quốc tế hoặc ra nước ngoài, nhưng tôi không đủ khả năng chi trả".
Tương tự, một bài đăng trên mạng xã hội cũng bày tỏ quan điểm gay gắt về vấn đề sinh con: “Ở đất nước này, cách để yêu thương con mình ngay từ đầu là không bao giờ để nó được sinh ra”. "Tôi không thể mang một đứa trẻ đến thế giới này và để nó phải chịu đau khổ”.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra các biện pháp khuyến khích như giảm thuế, trợ cấp chăm sóc con cái, kéo dài thời gian nghỉ phép dài hơn của cha mẹ, đồng thời không khuyến khích việc phá thai. Nhưng những biện pháp trên đã thất bại trong việc kích thích nhu cầu sinh con của giới trẻ tại đây. Bên cạnh đó, bức tranh ảm đạm càng trở nên phức tạp hơn bởi sự bi quan lan rộng do đại dịch coronavirus gây ra.
Thất vọng trước những chính sách của chính phủ trong thời gian phong tỏa vì Covid, nhiều người trẻ Trung Quốc đã áp dụng triết lý "nằm phẳng" đầy thờ ơ, từ chối những công việc áp lực cao. Ở độ tuổi 20 và 30, họ chấp nhận một cuộc sống không mong muốn và không hề nghĩ tới việc có con.
Eunice, gia sư người Anh 34 tuổi, cho biết: “Tôi nghe nói một số bệnh viện từ chối điều trị cho những trẻ không có kết quả xét nghiệm âm tính. Đại dịch mang đến cảm giác bất ổn vô cùng mạnh mẽ và có con không phải là điều tôi đang cân nhắc lúc này”.
Wang Feng, giáo sư xã hội học tại Đại học California, Irvine, cho biết sự suy giảm dân số đã bắt đầu sớm hơn gần một thập kỷ so với dự đoán của Liên Hợp Quốc.
Wang cho biết sự suy giảm dân số có thể là do chính sách một con bắt đầu từ hơn ba thập kỷ trước, dẫn đến số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ít hơn, mọi người trì hoãn hoặc từ bỏ hôn nhân, số con trong mỗi gia đình cũng thấp hơn.
Mới đây, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố quốc gia này chính thức bước vào "kỷ nguyên tăng trưởng dân số âm", sau khi số liệu được công bố cho thấy số người lần đầu tiên giảm lịch sử kể từ năm 1961. Quốc gia này có 1,41175 tỉ người vào cuối năm 2022, so với 1,41260 tỉ một năm trước đó, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết.
Mô hình tăng trưởng thiếu bền vững
Các chuyên gia cho rằng mặc dù sự suy giảm dân số sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức đến nền kinh tế Trung Quốc, vì tổng lực lượng lao động vẫn còn rất lớn ở mức trên 790 triệu người. Nhưng nó cho thấy mô hình tăng trưởng của Trung Quốc thiếu bền vững như thế nào.
Chien-Chung Wu, phó Giáo sư tại Đại học Công nghệ Hàng hải Đài Bắc, cho biết sự suy giảm dân số cuối cùng sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Trung Quốc. Ông tin rằng lực lượng lao động và thị trường tiêu dùng bị thu hẹp, sẽ khiến Trung Quốc mất lợi thế và thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài chuyển hướng sang các nước châu Á khác.
Tuy nhiên, Robin Maynard, Giám đốc điều hành của Population Matters có trụ sở tại Anh, cho biết việc dân số Trung Quốc thu hẹp không hẳn hoàn toàn tiêu cực, vì nó phần nào giúp hạn chế khủng hoảng khí hậu và sử dụng lực lượng lao động lớn tuổi thay vì dựa vào tỷ lệ sinh.
Người giàu nhất lịch sử nhân loại: Một lần tiêu hết 12 tấn vàng, sở hữu tới 415 tỷ USD