Tài chính Ngân hàng

Ba vấn đề then chốt khi gỡ bỏ room tín dụng

Hoàng Hiếu 16/07/2025 - 10:38

Gỡ room tín dụng là xu hướng tất yếu, nhưng theo TS Nguyễn Đức Độ, cần kiểm soát chặt lạm phát, nợ xấu và tránh cuộc đua lãi suất.

Tại tọa đàm “Gỡ bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng – Lộ trình phù hợp và phát triển bền vững” do VTV Index tổ chức ngày 15/7, các chuyên gia nhận định việc áp dụng công cụ hành chính “room tín dụng” trong hơn một thập kỷ qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đòi hỏi chính sách phải chuyển dịch theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho biết room tín dụng được áp dụng từ năm 2012–2013, nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát phi mã trong giai đoạn trước đó. Trong thập niên 2000, tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình hơn 30% mỗi năm, riêng năm 2007 đạt mức kỷ lục 50%. Dòng tín dụng chảy mạnh vào các thị trường tài sản như bất động sản đã khiến giá cả tăng vọt, đẩy lạm phát lên tới 20% vào năm 2008.

“Trước áp lực lạm phát, Ngân hàng Nhà nước buộc phải siết chặt tiền tệ, nâng lãi suất lên gần 20%. Điều này khiến thị trường tài sản sụt giảm, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân sử dụng đòn bẩy cao rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, tạo ra làn sóng nợ xấu lớn”, ông Độ phân tích.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, nếu muốn gỡ bỏ công cụ hành chính này, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tới ba vấn đề then chốt.

Thứ nhất, kiểm soát được lạm phát. Khi không còn giới hạn tăng trưởng tín dụng, tín dụng có thể tăng nóng, kéo theo nguy cơ gia tăng áp lực giá cả. Do đó, phải có công cụ và chính sách kịp thời để giữ ổn định mặt bằng giá.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu. Không phải ngân hàng nào cũng có đủ năng lực thẩm định và quản trị rủi ro khi được phép tăng tín dụng mạnh. Nếu buông lỏng, nợ xấu có thể tái xuất hiện trên diện rộng.

Thứ ba, cần có biện pháp ngăn chặn cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng. Cuộc đua này nếu diễn ra sẽ gây tác động tiêu cực đến các lĩnh vực sản xuất và nhóm khách hàng ưu tiên – những đối tượng khó có thể chịu được lãi suất cao như lĩnh vực bất động sản.

Ba vấn đề then chốt khi gỡ bỏ room tín dụng
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính. (Ảnh chụp màn hình)

TS Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh, khi gỡ bỏ room tín dụng, điều quan trọng là phải thiết lập một khuôn khổ kỷ luật chặt chẽ trong toàn hệ thống. “Mục tiêu của ngân hàng thương mại là tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, dưới góc độ trách nhiệm xã hội, họ cũng phải đảm bảo an toàn cho các khoản vay. Việc dung hòa giữa hai mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu có kỷ luật thị trường đủ mạnh”, ông nói.

Ông cảnh báo rằng nếu hệ thống thiếu kỷ luật, các ngân hàng có thể thiên lệch về mục tiêu lợi nhuận, đặc biệt trong các giai đoạn tăng trưởng nóng, dẫn đến mất cân bằng và rủi ro hệ thống.

Chia sẻ VTV Index, bà Phùng Thị Bình – Phó Tổng Giám đốc Agribank – cho rằng việc lập kế hoạch kinh doanh là điều bắt buộc với mọi ngân hàng. Trong bối cảnh ngân hàng vừa thực hiện chức năng huy động vốn, vừa cho vay, kế hoạch tăng trưởng tín dụng cần bám sát năng lực tài chính thực tế.

“Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước gỡ bỏ trần tín dụng, điều đó không đồng nghĩa với việc ngân hàng muốn tăng bao nhiêu cũng được. Mức tăng trưởng phải phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, tránh gây bất ổn”, bà Bình nhấn mạnh.

>> Luật hoá Nghị quyết 42: Chuyên gia dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ bật tăng từ quý III/2026

Ngân hàng nào có cơ hội nhận room tín dụng cao nhất năm 2025?

Lộ trình bỏ room tín dụng: Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát thị trường bằng cách nào?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ba-van-de-then-chot-khi-go-bo-room-tin-dung-296575.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ba vấn đề then chốt khi gỡ bỏ room tín dụng
    POWERED BY ONECMS & INTECH