Bắc Kạn sắp có thêm 5.000 việc làm, người dân xa quê có cơ hội về làm việc gần nhà tại nhà máy 600 tỷ đồng
Khi chính thức vận hành, nhà máy được kỳ vọng mang đến cơ hội việc làm cho khoảng 5.000 lao động địa phương, giúp hạn chế tình trạng di cư lao động.
Những ngày cuối tháng 3.2025, tại Cụm công nghiệp Huyền Tụng (TP Bắc Kạn), dự án nhà máy sản xuất, gia công giày dép và đế giày xuất khẩu trị giá hơn 600 tỉ đồng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện.
Sau gần một năm thi công kể từ tháng 6.2024, hình hài nhà máy đã dần lộ diện, hứa hẹn không chỉ tạo ra hàng nghìn việc làm mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh Bắc Kạn, một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn.
Dự án do Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Bắc Kạn - Việt Nam đầu tư với tổng vốn 25 triệu USD (tương đương hơn 600 tỉ đồng), công suất dự kiến đạt 10 triệu đôi giày dép mỗi năm.
Báo Lao động đưa tin, những ngày này công trường rất nhộn nhịp, với hàng trăm công nhân, kỹ sư đang khẩn trương hoàn tất các hạng mục quan trọng như san lấp mặt bằng, lu lèn đường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ.
>> Tài xế xe ôm công nghệ từ chối chở khách xăm kín, đồng nghiệp trong nghề nói gì?
![]() |
Nhà máy trị giá hơn 600 tỷ đồng tại Cụm công nghiệp Huyền Tụng (TP Bắc Kạn) đang dần hoàn thiện, hứa hẹn mở ra hàng nghìn cơ hội việc làm cho người lao động. Ảnh: Báo Lao động |
Đại diện chủ đầu tư cho biết, đến thời điểm này, hai hạng mục chính là nhà xưởng và nhà kho đã hoàn thành; một số dây chuyền máy móc cũng đã được lắp đặt. Dự kiến, nhà máy sẽ chính thức vận hành trong quý II/2025 sau khi các hạng mục phụ trợ còn lại được hoàn thiện.
Không dừng lại ở Cụm công nghiệp Huyền Tụng, doanh nghiệp còn lên kế hoạch mở rộng đầu tư tại hai huyện Ngân Sơn và Na Rì với thêm hai nhà máy mới.
Được biết, mỗi nhà máy có công suất khoảng 1,5 triệu đôi giày dép/năm, dự kiến thu hút từ 1.500 đến 2.000 lao động địa phương.
Với đặc thù là một tỉnh miền núi, Bắc Kạn từ lâu đối mặt với tình trạng lao động phải rời quê tìm việc tại các tỉnh lân cận do thiếu cơ hội tại địa phương. Dự án nhà máy giày dép quy mô lớn này đang thắp lên hy vọng cho hàng nghìn người dân về một công việc ổn định ngay tại quê hương.
Chị Nguyễn Thị Hoa (TP Bắc Kạn), người từng làm công nhân ở Bắc Ninh nhiều năm, chia sẻ: “Làm xa nhà, thu nhập tưởng cao nhưng chi phí sinh hoạt, tiền trọ đắt đỏ khiến tôi chẳng dư được bao nhiêu. Có tháng tăng ca liên tục, mệt đến kiệt sức nhưng vẫn cố vì lương. Vậy mà xa con, ốm đau cũng chỉ biết gọi điện về. Nếu Bắc Kạn có nhà máy, tôi sẽ về ngay, vừa có việc làm vừa được gần gia đình”.
Tương tự, anh Lê Văn Hùng, một người dân địa phương, từng làm việc ở Thái Nguyên nhưng đã trở về quê làm ruộng vì không chịu nổi cảnh xa nhà. Anh bày tỏ: “Nếu nhà máy hoạt động ổn định, tôi tin nhiều người như tôi sẽ chọn ở lại quê thay vì tha hương”.
Dự án không chỉ dừng ở việc giải quyết bài toán việc làm mà còn được kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững cho Bắc Kạn. Khi đi vào hoạt động, nhà máy tại Cụm công nghiệp Huyền Tụng dự kiến tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động, góp phần giảm tỷ lệ lao động di cư và nâng cao đời sống người dân.
>> Ngành học từng bị ‘ngó lơ’, nay trở nên HOT: Lương cao ngất ngưởng, không lo bị thay thế