Bác sĩ chỉ ra 3 nguyên nhân gây sốc nhiệt khi đi bộ dưới trời nắng nóng
Người đi bộ hay làm việc dưới trời nắng quá lâu không được che chắn, bổ sung nước, thực phẩm sẽ dẫn tới thay đổi thân nhiệt, rối loạn điện giải, trụy tim mạch.
Liên quan việc một người đàn ông tử vong do sốc nhiệt sau khi đi bộ hành theo ông Thích Minh Tuệ, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng (Hà Nội), cho biết khi đi bộ hay làm việc dưới trời nắng kéo dài, nguy cơ sốc nhiệt, trụy tim dẫn tới tử vong rất lớn. Đây là hoạt động gắng sức đòi hỏi hoạt động của cơ bắp liên tục, cần nhiều năng lượng.
Các nguyên nhân dẫn tới nguy cơ này bao gồm:
Thứ nhất, hoạt động bộ hành dưới trời nắng nóng đòi hỏi con người tiêu tốn nhiều năng lượng. Khi đó, các mạch máu dưới da giãn ra, lượng máu tập trung về đây và giảm máu nuôi ở các vùng cơ quan khác như tim, não.
Thứ hai, cơ thể mất nước và muối do toát mồ hôi giải nhiệt gây rối loạn điện giải, thể tích máu giảm và cô đặc lại. Nồng độ chất điện giải thay đổi ảnh hưởng dẫn truyền thần kinh cơ, phản ứng chuyển hóa của cơ thể.
Thứ ba, trong cơ thể có một trung tâm điều nhiệt (nằm phía sau gáy), khi nhiệt độ cao, trung tâm này kích thích mồ hôi tiết ra. Nếu nhiệt độ cao quá, mất nước và muối, trung tâm này mất chức năng khiến nhiệt độ cơ thể thay đổi, tăng lên gây rối loạn chuyển hóa, rối loạn dẫn truyền thần kinh. Người bệnh có biểu hiện lơ mơ, mệt mỏi, thậm chí không tỉnh táo, ngất. Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể tăng khiến các chất độc không chuyển hóa được gây suy gan, suy thận, trụy tuần hoàn rất nhanh.
Theo bác sĩ Hoàng, mỗi người có ngưỡng đi bộ hay làm việc dưới trời nắng khác nhau. Do đó, người mới rèn luyện, người già, trẻ em, người không che chắn vùng gáy có nguy cơ sốc nhiệt cao hơn. Ngoài ra, người đi bộ ngoài trời nắng nhưng không bổ sung nước, đồ ăn chứa năng lượng, mặc quần áo có xu hướng hấp thụ nhiệt cũng làm tăng nguy cơ bị sốc nhiệt.
Để phòng tránh sốc nhiệt, bác sĩ Hoàng khuyến cáo:
- Hạn chế ra ngoài trong những ngày nắng nóng, đặc biệt là thời gian 10-16h.
- Những người đang trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ phòng điều hòa, ngồi nghỉ ngơi trong bóng mát ngoài trời trước.
- Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm hút mồ hôi.
- Tăng cường ăn các loại rau xanh và trái cây, nên có một món canh trong bữa ăn.
- Uống tối thiểu 1,5-2 lít nước một ngày, uống làm nhiều lần, không uống quá nhiều trong 1 lần.
- Thường xuyên rèn luyện thân thể, nâng cao sức đề kháng và sức chống chọi của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.
Nếu phải làm việc ngoài trời nắng, bạn nên lưu ý:
- Bố trí thời gian làm việc vào những lúc mát hơn như buổi sáng, chiều muộn. Hạn chế làm vệc trong môi trường nhiệt độ cao. Nên nghỉ ngơi sau 45-60 phút đi bộ, làm việc ngoài trời nắng.
- Hạn chế diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng gáy. Cần sử dụng mũ nón, kính hoặc kem chống nắng. Đặc biệt, nên có sẵn các thức uống chứa khoáng chất, muối như Oresol. Nếu bạn toát nhiều mồ hôi khi gắng sức, nên uống nước này đúng hàm lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
>> Chuyên gia khuyến cáo gì để phòng nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt khi trời nắng nóng?
Làm việc dưới trời nắng nóng, hai người nhập viện cấp cứu
Công nhân đội nắng nóng hơn 40 độ thi công cầu dây văng 1.200 tỷ tại Nam Định