Động thái này diễn ra sau 2 tháng ông lớn giao đồ ăn Hàn Quốc Baemin thu hẹp hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Mới đây ông lớn giao đồ ăn Hàn Quốc Baemin đã thông báo tới các Nhà hàng đối tác về việc chia tay thị trường Việt Nam từ 8/12, sau 2 tháng thu hẹp hoạt động.
"Quyết định rời khỏi Việt Nam của Baemin được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như thực trạng cạnh tranh khốc liệt của thị trường nước sở tại", thông báo của công ty cho hay.
Delivery Hero, công ty mẹ của Baemin Việt Nam, cho biết chiến lược lúc này là tập trung các thị trường đang dẫn đầu và có khả năng dẫn đầu. Tại Việt Nam, ưu tiên hàng đầu của ứng dụng này trong vài tuần tới là hỗ trợ cũng như hoàn tất nghĩa vụ và trách nhiệm với toàn thể nhân viên, các đối tác tài xế và đối tác nhà hàng.
Trước đó, cuối tháng 9, ông lớn giao đồ ăn của Hàn Quốc đã thông báo thu hẹp hoạt động. Trong một email gửi tới nhân viên Baemin Việt Nam khi đó, bà Cao Thị Ngọc Loan, Giám đốc điều hành tạm thời của Baemin Việt Nam, cho biết việc thu hẹp bởi thị trường giao đồ ăn đầy thách thức ở Việt Nam.
Baemin được vận hành bởi Woowa Brothers Việt Nam, thành viên của liên doanh giữa Woowa Brothers - công ty giao đồ ăn đứng đầu tại Hàn Quốc và Delivery Hero - tập đoàn công nghệ giao đồ ăn tại hơn 50 quốc gia. Bên cạnh lĩnh vực giao đồ ăn cốt lõi, Baemin còn cung cấp một số dịch vụ khác như đi chợ hộ, cửa hàng bách hóa trực tuyến, bán mỹ phẩm.
Baemin gia nhập thị trường giao đồ ăn Việt Nam sau khi thâu tóm Vietnammm.com. Khi gia nhập thị trường Việt, Baemin cạnh tranh với các nền tảng như Grab, Gojek và ShoppeeFood trong lĩnh vực giao đồ ăn. Tuy nhiên Baemin Việt Nam chỉ cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, trong khi các nền tảng khác cung cấp nhiều dịch vụ như đặt xe, giao vận hàng hóa ...
Hồi tháng 8, Niklas Östberg, đồng sáng lập, kiêm CEO Delivery Hero, nói với Reuters rằng triển vọng của công ty tại châu Á là tích cực, trừ Việt Nam - thị trường họ cho rằng hoạt động kinh doanh "không bao giờ có lãi".
Theo Momentum Works, Baemin nắm giữ 12% thị phần vào năm 2022, thấp hơn đáng kể so với 45% của Grab và 41% của ShopeeFood. Rõ ràng, trong lĩnh vực này, Baemin đang gặp khá nhiều thách thức trong việc mở rộng thị phần và tăng trưởng người dùng.
> > Baemin rút khỏi Việt Nam, ai sẽ có lợi thế tranh giành thị phần?
Rút lui khỏi thị trường Việt Nam, Gojek và Baemin để lại nhiều bài học cho các hãng giao đồ ăn
Baemin rút khỏi thị trường, doanh nghiệp Việt tăng tốc chiếm thị phần