Bài toán của Ả-rập Xê-út khi trải thảm đỏ đón Tổng thống Mỹ Trump
Khi đáp xuống Riyadh ngày 13/5, Tổng thống Donald Trump sẽ được chào đón bằng những nghi thức trọng thị trong cung điện dát vàng và cơ hội nhận được cam kết đầu tư 1.000 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc chiến dữ dội ở Dải Gaza khiến nhà lãnh đạo Mỹ không đạt được mục tiêu mà ông đặt ra từ lâu: Bình thường hóa quan hệ giữa Ả-rập Xê-út và Israel.
Phía sau hậu trường, các quan chức Mỹ đang âm thầm gây áp lực để ép Israel đồng ý ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza - một trong những điều kiện tiên quyết của Ả-rập Xê-út để khởi động lại bất kỳ cuộc đàm phán bình thường hóa nào, Reuters dẫn các nguồn tin nắm được tình hình cho biết.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong dịp gặp Thái tử kế vị Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman. (Ảnh: Reuters) |
Tuần trước, Đặc phái viên Trung Đông của tổng thống Mỹ Steve Witkoff phát biểu tại sự kiện của Đại sứ quán Israel ở Washington, rằng ông mong đợi sẽ sớm có tiến triển trong việc mở rộng Hiệp định Abraham. Hiệp định này bao gồm một loạt thỏa thuận mà ông Trump làm trung gian trong nhiệm kỳ đầu tiên, dẫn đến việc các quốc gia Ả-rập bao gồm UAE, Bahrain, Sudan và Ma-rốc công nhận Israel.
"Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có một số hoặc rất nhiều thông báo trong thời gian rất, rất ngắn, mà chúng tôi hy vọng sẽ mang lại tiến triển vào năm tới", ông Witkoff cho biết.
Ông Witkoff dự kiến sẽ tháp tùng Tổng thống Trump trong chuyến thăm Trung Đông.
Tuy nhiên, việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không đồng ý chấm dứt chiến tranh vĩnh viễn hoặc thành lập nhà nước Palestine khiến tiến trình đàm phán tương tự với Riyadh trở nên khó khả thi, các nguồn tin cho biết.
Ả-rập Xê-út không công nhận Israel, nghĩa là hai nền kinh tế và cường quốc quân sự tiên tiến nhất Trung Đông không có quan hệ ngoại giao chính thức. Những người ủng hộ cho rằng việc hai nước bình thường hóa quan hệ sẽ mang lại ổn định và thịnh vượng cho khu vực, đồng thời chống lại ảnh hưởng của Iran.
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel đã trở nên cực kỳ độc hại đối với Ả-rập Xê-út, nơi ra đời của đạo Hồi, kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch tấn công vào Dải Gaza để trả đũa Hamas. Do đó, vấn đề cốt lõi trong các cuộc đàm phán song phương trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump về cơ bản đã bị tách khỏi những khía cạnh khác trong hợp tác giữa Washington và Riyadh, các nguồn tin cho biết.
Thay vào đó, chuyến đi của ông Trump đến Riyadh sẽ tập trung chủ yếu vào hợp tác kinh tế và các vấn đề khu vực khác.
Mục tiêu mà ông Trump đưa ra là nhận được đảm bảo khoản đầu tư hàng nghìn tỷ đô la vào nền kinh tế Mỹ. Thái tử kế vị Ả-rập Xê-út đã đưa ra cam kết ban đầu ở mức 600 tỷ USD.
Các nguồn tin cho biết, mục tiêu của Riyadh là thuyết phục ông Trump nhượng bộ trong vấn đề Dải Gaza.
"Chính quyền Trump muốn chuyến đi này trở thành một sự kiện lớn. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều thông báo về thỏa thuận và hợp tác hấp dẫn có thể được coi là có lợi cho nước Mỹ", ông Robert Mogielnicki, học giả thường trú cấp cao tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Ả-rập, nhận định.
"Đối với Ả-rập Xê-út, bình thường hóa quan hệ với Israel là nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều so với việc trải thảm đỏ đón Tổng thống Trump và công bố các thỏa thuận đầu tư", ông nói.
Trong chuyến công du lần này, ông Trump cũng sẽ thăm Qatar và UAE.
Các nhà ngoại giao cho biết, chuyến đi này nằm trong nỗ lực của Mỹ nhằm lấy lại ảnh hưởng và định hình lại các liên kết kinh tế trong khu vực mà Bắc Kinh liên tục mở rộng ảnh hưởng.
Giới phân tích cho rằng điều này sẽ không dễ dàng ở Ả-rập Xê-út. Kể từ khi Riyadh đưa ra Tầm nhìn 2030, Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu trong các kế hoạch của Riyadh nhằm phát triển hơn nữa các lĩnh vực, từ năng lượng, cơ sở hạ tầng đến năng lượng tái tạo.
>>Vì sao ông Trump chọn thăm 3 quốc gia giàu nhất thế giới đầu tiên?
Mỹ chuẩn bị bán gói vũ khí hơn 100 tỷ USD cho Ả-rập Xê-út
Nga kỳ vọng đạt được tiến triển trong cuộc đàm phán tại Ả-rập Xê-út