Bamboo Airways thông báo "hoạt động bình thường" và câu chuyện về thủ tục phá sản

15-07-2023 06:35|Hồ Nga

Theo lý thuyết, một doanh nghiệp mở thủ tục phá sản, vẫn sẽ có thể "hoạt động bình thường", nhưng sẽ chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Mấy ngày gần đây, sau câu nói của một lãnh đạo doanh nghiệp hàng không về việc "có một hãng hàng không đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản" khiến không ít đồn đoán nổi lên. Rất nhiều dự đoán cho rằng "một hãng hàng không" là đang nhắc tới Bamboo Airways. Nguyên nhân những đồn đoán trên cũng không quá khó hiểu khi thời gian gần đây Bamboo Airways có nhiều biến động về nhân sự.

Bamboo Airways duy trì hoạt động bình thường

Ngày 14/7, trên trang chủ công ty, Bamboo Airways đã chính thức lên tiếng, khẳng định "Bamboo Airways duy trì hoạt động bình thường".

Thông tin phát đi ghi nhận sự việc "trong thời gian vừa qua, Bamboo Airways đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ mạnh mẽ. Trong đó, hãng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để đảm bảo lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất".

Đồng thời khẳng định "đến nay, Bamboo Airways vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo khai thác các chuyến bay đúng giờ, an toàn tuyệt đối. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mạng bay, tối ưu hóa mọi nguồn lực để tiếp tục phụng sự khách hàng, đem tới dịch vụ hàng không chất lượng cao, hiếu khách, tận tâm".

Những biến động nhân sự trong thời gian ngắn

Trên thực tế, thời gian vừa qua Baboo Airways liên tục có những biến động lớn về nhân sự. Ngày 21/6 vừa qua Bamboo Airways đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm 2023.

Đại hội đã bầu ra 07 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028, bao gồm ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm, ông Trần Hoà Bình, ông Oshima Hideki, ông Phan Đình Tuệ, bổ sung và thay thế cho các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024 đã từ nhiệm.

Cùng với đó, ĐHĐCĐ cũng đã bầu 03 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 – 2028 là bà Nguyễn Thị Hữu, bà Nguyễn Bích Ngọc, ông Nguyễn Đăng Khoa, bổ sung và thay thế cho các thành viên cũ đã từ nhiệm.

Cùng ngày, HĐQT Bamboo Airways cũng đã họp và thống nhất bầu ông Oshima Hideki là Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Phan Đình Tuệ đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways.

Tuy nhiên chỉ vài tuần sau đó Bamboo Airways lại có biến động thượng tầng. HĐQT công ty chấp thuận đơn xin từ nhiệm của 4 thành viên HĐQT, bao gồm ông Oshima Hideki (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Ngọc Trọng (Phó Chủ tịch thường trực HĐQT) và 2 Phó Chủ tịch HĐQT là các ông Doãn Hữu Đoàn, ông Phan Đình Tuệ.

Đồng thời, Bamboo Airways đã thông qua quyết định bầu các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 thay thế các thành viên từ nhiệm. Đáng chú ý, ông Lê Thái Sâm sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Oshima Hideki giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc thay thế ông Nguyễn Minh Hải đã từ nhiệm trước đó.

Ông Lê Thái Sâm hiện là cổ đông lớn nhất, sở hữu trên 50% vốn điều lệ công ty.

Đằng sau những đồn đoán về việc bảo hộ phá sản

Ở một câu chuyện khác, việc một doanh nghiệp "xin bảo hộ phá sản" và một doanh nghiệp "duy trì hoạt động bình thường" vẫn là 2 hoạt động có thể song song tồn tại ở cùng một doanh nghiệp trong cùng một thời điểm.

Khái niệm "bảo hộ phá sản" còn mới mẻ, cũng chưa có định nghĩa ở Việt Nam, tuy vậy sự việc này đã và đang diễn ra thường xuyên ở nước ngoài. Có thể hiểu "bảo hộ phá sản là việc một doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ phá sản - cũng đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi lại hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giải quyết các vấn đề tài chính. Nếu việc phục hồi của doanh nghiệp thành công, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi nguy cơ bị phá sản, trả được các khoản nợ cho chủ nợ của mình và tiếp tục các hoạt động kinh doanh".

Còn ở Việt Nam, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán, lúc đó những người có quyền và nghĩa vụ theo quy định sẽ nộp đơn để yêu cầu mở thủ tục phá sản. Và Tòa án sẽ ra quyết định mở thủ tục phá sản nếu thỏa mãn các điều kiện cần thiết.

Có thể hiểu đơn giản "sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản".

Theo đó, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong trường hợp này vẫn có quyền được tiếp tục hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, để tránh phát sinh lỗ hoặc kinh doanh phi pháp nhằm tẩu tán tài sản thì mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Do vậy, trên thực tế, một doanh nghiệp có đơn "xin bảo hộ phá sản" hoàn toàn có thể công bố thông tin "vẫn duy trì hoạt động bình thường".

Bamboo Airways lên tiếng giữa bão tin đồn một doanh nghiệp hàng không phá sản

Bamboo Airways lên tiếng giữa bão tin đồn một doanh nghiệp hàng không phá sản

Thâu tóm hơn 50% vốn Bamboo Airways, ông Lê Thái Sâm vào ghế Chủ tịch

Ông Lê Thái Sâm làm Chủ tịch Bamboo Airways

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bamboo-airways-thong-bao-hoat-dong-binh-thuong-va-cau-chuyen-ve-thu-tuc-pha-san-192225.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bamboo Airways thông báo "hoạt động bình thường" và câu chuyện về thủ tục phá sản
POWERED BY ONECMS & INTECH