COVID-19 trở lại: Thái Lan vượt 71.000 ca, Singapore tăng 30% người nhập viện – ngành hàng không chịu áp lực
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia châu Á, có nguy cơ làm chậm đà phục hồi của ngành hàng không khi số ca mắc và nhập viện gia tăng mạnh.
Trong tháng 5/2025, nhiều quốc gia châu Á ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh trở lại, làm dấy lên những lo ngại mới về khả năng ảnh hưởng đến chuỗi hoạt động du lịch – hàng không quốc tế, trong bối cảnh ngành hàng không đang phục hồi sau đại dịch.
Tại Singapore, Bộ Y tế nước này báo cáo rằng từ ngày 27/4 đến 3/5/2025, số ca mắc COVID-19 tăng khoảng 28% so với tuần trước, lên mức 14.200 ca, dù không phát hiện biến chủng mới nguy hiểm. Đáng chú ý, số ca phải nhập viện cũng tăng khoảng 30%, cho thấy mức độ ảnh hưởng nhất định đến hệ thống y tế.
Thái Lan ghi nhận hơn 71.000 ca nhiễm và 19 ca tử vong chỉ từ đầu năm đến giữa tháng 5, với hơn 12.500 ca mắc mới chỉ trong vòng 4 ngày gần đây. Đợt bùng phát lần này được cho là liên quan đến kỳ nghỉ lễ Songkran và sự xuất hiện của biến chủng phụ Omicron XEC, vốn có tốc độ lây lan nhanh nhưng triệu chứng nhẹ. Biến chủng này, cùng với JN.1, được đánh giá là nguyên nhân dẫn đầu làn sóng COVID-19 mới tại khu vực.
![]() |
Số lượng ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại Thái Lan (Ảnh minh họa) |
Tại Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (China CDC) cũng báo cáo tỷ lệ dương tính tại các bệnh viện tăng từ 7,5% lên 16,2%, cho thấy dịch đang âm thầm lan rộng. Các chuyên gia nhận định đây là tín hiệu cảnh báo mặc dù chưa đến mức báo động.
Trong khi đó, tại Việt Nam, từ đầu năm đến giữa tháng 5/2025 đã ghi nhận 148 trường hợp mắc COVID-19 rải rác tại 27 tỉnh, thành phố. Mặc dù chưa có ca tử vong, nhưng giới chuyên môn khuyến nghị không nên chủ quan trước sự tái bùng phát tại khu vực.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến chủng JN.1 hiện được xếp vào nhóm "cần quan tâm riêng biệt" trong bệnh COVID-19, còn XEC, LF.7 và NB.1.8 là những dòng phụ dễ lây lan nhưng chưa có dấu hiệu gây ra biến chứng nặng. Tuy nhiên, sự suy giảm miễn dịch cộng đồng, tăng cường giao lưu trong các kỳ nghỉ lễ, cùng với mức độ tiêm mũi vắc xin tăng cường còn hạn chế, đang tạo điều kiện lý tưởng cho virus phát tán nhanh chóng.
Rủi ro trở lại với ngành hàng không
Dù các đợt lây lan hiện nay chưa gây áp lực đáng kể đến hệ thống y tế, nhưng sự gia tăng số ca mắc COVID-19 đang đặt ra những rủi ro tiềm ẩn đối với ngành hàng không – lĩnh vực từng chịu tổn thất nặng nề trong giai đoạn 2020–2021.
Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong giai đoạn cao điểm đại dịch, sản lượng hành khách quốc tế từng tăng trưởng âm tới 82% và 93% trong 2 năm liên tiếp. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng lần lượt sụt giảm mạnh tới 58%/39% và 80%/52%, do thiếu vắng nguồn khách quốc tế.
![]() |
Sự gia tăng số ca mắc COVID-19 đang đặt ra những rủi ro tiềm ẩn đối với ngành hàng không (Ảnh minh họa) |
Với tình hình hiện tại, dù dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, việc số ca mắc tăng trở lại ở các thị trường trọng điểm như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc có thể khiến hành khách quốc tế e ngại di chuyển, đồng thời dẫn đến một số biện pháp hạn chế nhập cảnh tạm thời từ các quốc gia có chính sách y tế thận trọng.
Điều này không chỉ làm chậm lại quá trình phục hồi lưu lượng hành khách, mà còn có thể gây gián đoạn chuỗi du lịch và hàng không quốc tế, ảnh hưởng đến doanh thu của các hãng hàng không và doanh nghiệp vận hành cảng hàng không.
>> Vietnam Airlines (HVN) bắt tay FPT chuyển mình thành hãng hàng không số