Thị trường

Một hãng bay mới của Việt Nam chi gần 100 triệu USD, chính thức bước vào cuộc chơi cùng Vietnam Airlines và Vietjet

Ái Hân 23/05/2025 13:00

Sun PhuQuoc Airways chính thức ra mắt với vốn đầu tư gần 100 triệu USD, hứa hẹn khuấy động thị trường hàng không Việt Nam.

Việt Nam chuẩn bị đón thêm một hãng hàng không mới mang tên Sun PhuQuoc Airways (SPA), thuộc sở hữu của Tập đoàn Sun Group. Quyết định thành lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo hãng tin AFP. Hãng sẽ hoạt động theo mô hình dịch vụ đầy đủ, kết hợp giữa các chuyến bay thương mại truyền thống và dịch vụ thuê chuyến nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của hành khách.

Một hãng bay mới của Việt Nam chi gần 100 triệu USD, chính thức bước vào cuộc chơi cùng Vietnam Airlines và Vietjet
Sun Group vốn được biết đến là một trong những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, du lịch và giải trí tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Tham vọng từ một tập đoàn lớn trong ngành du lịch

Sun Group vốn được biết đến là một trong những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, du lịch và giải trí tại Việt Nam. Theo tạp chí Aero News Journal, tập đoàn này từng được World Travel Awards vinh danh là Tập đoàn Du lịch Tích hợp hàng đầu châu Á.

>>Một thương hiệu vượt mốc 1.290 tỷ USD, giữ vững ngôi vương thương hiệu giá trị nhất thế giới

Với dự án hàng không mới, Sun Group đặt mục tiêu phát triển đội bay hơn 30 chiếc vào cuối thập kỷ. Tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 2.500 tỷ đồng, tương đương gần 100 triệu USD, trong đó 1.000 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu và 1.500 tỷ đồng từ tín dụng trong nước.

Kết nối Phú Quốc với thế giới

Sun PhuQuoc Airways hướng tới mục tiêu đưa thêm du khách quốc tế đến với Phú Quốc, hòn đảo du lịch nổi tiếng nằm tại tỉnh Kiên Giang. Đây là điểm đến được các hãng tin quốc tế đánh giá cao, không chỉ bởi vẻ đẹp thiên nhiên mà còn bởi tiềm năng phát triển du lịch vượt trội.

Ngoài ra, hãng cũng sẽ khai thác các đường bay kết nối Phú Quốc với những trung tâm kinh tế và du lịch lớn trong nước cũng như trên toàn cầu. Trung tâm điều hành chính của SPA sẽ đặt tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), sân bay tư nhân duy nhất tại Việt Nam, cũng thuộc sở hữu của Sun Group. Các sân bay khác như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Phú Quốc, Đà Nẵng, Phù Cát và Cam Ranh sẽ là các điểm đỗ hỗ trợ hoạt động bay qua đêm của hãng.

Ngành hàng không Việt Nam tiếp tục sôi động

Sự ra đời của Sun PhuQuoc Airways diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Theo Bangkok Post, thị trường với quy mô 100 triệu dân đang tăng trưởng nhanh nhờ vào nhu cầu du lịch bùng nổ của tầng lớp trung lưu.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 7,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh đó, SPA sẽ cạnh tranh với nhiều hãng lớn như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines và Vasco.

Bước đi chiến lược tiếp theo của Sun Group

Trước đây, Sun Group từng ra mắt Sun Air, hãng hàng không cao cấp chuyên cung cấp dịch vụ máy bay riêng cho khách hàng thượng lưu. Khác với mô hình đó, Sun PhuQuoc Airways hướng đến thị trường đại chúng, phục vụ lượng hành khách đa dạng hơn với giá cả linh hoạt và mạng lưới bay rộng.

Phú Quốc, điểm đến chiến lược của SPA, cũng đang được đầu tư mở rộng để đón các sự kiện lớn như APEC 2027. Sân bay quốc tế Phú Quốc hiện có thể phục vụ các dòng máy bay lớn như Airbus A350 và Boeing 747 với công suất lên tới 7 triệu hành khách mỗi năm.

>>Cây từng mọc dại ven sông nay mang lại hơn 1 tỷ đồng mỗi năm cho chàng trai 8X miền Tây

Bị sa thải ở tuổi 48 sau 25 năm làm việc miệt mài không nghỉ phép, kỹ sư Microsoft khiến cộng đồng mạng xôn xao: ‘Chồng tôi bị loại bởi một thuật toán’

8 nơi 'đắc địa' khắp thế giới mà đế chế của ông Trump lựa chọn rót vốn kể từ khi nhậm chức: Các dự án ở Việt Nam lớn đến đâu?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mot-hang-bay-moi-cua-viet-nam-chi-gan-100-trieu-usd-chinh-thuc-buoc-vao-cuoc-choi-cung-vietnam-airlines-va-vietjet-290636.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Một hãng bay mới của Việt Nam chi gần 100 triệu USD, chính thức bước vào cuộc chơi cùng Vietnam Airlines và Vietjet
    POWERED BY ONECMS & INTECH