Xã hội

Bán 'lá mùng 5' dịp tết Đoan ngọ, dân xứ Quảng bỏ túi cả trăm triệu

Nguyễn Nam 09/06/2024 - 21:41

Nhờ trồng lá để bán đun nước uống dịp tết Đoan ngọ, nhiều nông dân ở Quảng Nam kiếm được hàng chục, thậm chí hơn trăm triệu đồng.

Những ngày cận tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch), nhiều người dân xứ Quảng khi đi chợ đều ghé mua một ít "lá mùng 5" về nấu nước uống. Đây được xem như một phương thuốc dân gian và cũng là nét văn hóa đặc biệt của địa phương này.

Nước "lá mùng 5" là tổng hợp nhiều loại cây thuốc Nam, bao gồm cả vị đắng, chát, chua, ngọt hòa quyện vào nhau, có tác dụng thanh lọc cơ thể, giúp mát gan, lợi đường huyết,... Ai từng dùng qua thức uống này, khó có thể quên được hương vị đậm đà, dân dã của nó.

Kiếm hơn trăm triệu nhờ… bán lá

Làng Trà Đóa (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình) nổi tiếng là vựa "lá mùng 5" lâu đời và lớn nhất Quảng Nam. Mỗi năm, cứ gần đến tết Đoan ngọ, thương lái lại đổ xô về đây mua lá đưa đi khắp nơi tiêu thụ.

Đang đội nắng thu hoạch những luống lá cuối cùng, ông Đỗ Văn Lại (SN 1976) cho biết, có rất nhiều loại cây thuốc Nam để tạo nên "lá mùng 5". Ở đây chủ yếu trồng cây hoa khóm, hoắc hương, rẻ quạt, cam thảo, măng sợi, chè cát,… Mỗi loại lá đều là vị thuốc có công dụng đặc trưng.

W-Anh 1.JPG.jpg
Xã Bình Đào có khoảng 10ha chuyên trồng lá thuốc để bán tết Đoan ngọ. Ảnh: Nguyễn Nam
W-Anh 2.JPG.jpg
Người dân đội nắng thu hoạch cây hoa khóm để bán. Ảnh: Nguyễn Nam

Theo ông Lại, nghề trồng cây thuốc Nam ở đây có hàng trăm năm qua. Cứ đến giữa tháng Chạp, gần 100 người dân trong làng đồng loạt gieo trồng "lá mùng 5".

Chi phí cho mỗi vụ lá không nhiều, chủ yếu chăm bón bằng phân hữu cơ, không dùng thuốc hóa học. Đặc biệt, thổ nhưỡng, nước, khí hậu của làng mới tạo ra được hương vị đặc trưng của lá.

Sau khi thu hoạch lá vào đầu tháng 6 dương lịch, nông dân tiếp tục cải tạo đất để trồng lúa, hoa màu. Trước khi nhổ cây, họ tận dụng lấy lại hạt giống để dùng cho vụ sau.

W-Anh 3.JPG.jpg
Ông Lại thu hoạch những bó "lá mùng 5" cuối cùng của gia đình. Ảnh: Nguyễn Nam

"Nghe thì dễ nhưng để có vụ lá năng suất thì cần sự kỳ công chăm sóc. Nhiều loại cây rất ‘kén đất’, nắng quá phải phủ bạt, mưa phải lập tức tháo nước nếu không cây sẽ chết", ông Lại nói và tiết lộ thêm, với hơn 3 sào đất, năm nay ông kiếm được gần 45 triệu đồng nhờ bán lá.

Là một trong những hộ trồng "lá mùng 5" nhiều nhất làng, ông Nguyễn Duy Tân (SN 1979) cho biết, những năm gần đây lá thuốc được tiêu thụ rất mạnh, bán được giá nên bà con trong làng đều phấn khởi.

W-Anh 10.JPG.jpg
Nhà nhà tất bật thu hoạch, phân loại lá theo bó, cân để bán. Ảnh: Nguyễn Nam

"Tùy theo loại mà mỗi bó lá có giá bán khác nhau, như hoắc hương và tía tô thương lái mua tận vườn 10.000 đồng/kg, còn hoa khám 20.000 đồng/kg cây tươi. Nhà tôi trồng 10 sào lá, trong vòng 3 tháng, tôi thu về khoảng 150 triệu đồng. Thu nhập này cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại hoa màu khác", ông Tân chia sẻ.

Thức uống không thể thiếu dịp tết Đoan ngọ

Những ngày qua, bà Hồ Thị Đồng (SN 1958) tất tả đến làng Trà Đóa thu mua lá để phân phối khắp các chợ ở huyện Thăng Bình và TP Tam Kỳ,...

Chồng con cũng hì hục phụ bà "sơ chế", phân loại từng loại lá theo bó, cân để kịp bỏ mối cho “bạn hàng”. Mỗi cân lá, bà Đồng lời khoảng 1.000 - 2.000 đồng.

"Công việc tuy vất vả nhưng bù lại cũng có thêm thu nhập, ngày cao điểm tôi kiếm được cả triệu bạc", bà Đồng hào hứng nói.

W-Anh 9.JPG.jpg
Bà Đồng có "thâm niên" 52 năm làm nghề buôn "lá mùng 5". Ảnh: Nguyễn Nam
Thương lái đến tận nhà để thu mua “lá mùng 5” với giá cao. Ảnh: Nguyễn Nam
W-Anh 11.JPG.jpg
Từ làng Trà Đóa, "lá mùng 5" được đưa đi khắp nơi. Ảnh: Nguyễn Nam

Theo quan niệm xưa, Tết diệt sâu bọ là ngày nắng nóng nhất trong năm; lá được mua về phải phơi đúng "ngọ" mới có tác dụng, nước lá uống vào rất mát và có thể chữa bệnh. Đến nay, phong tục này vẫn được lưu truyền, nhất là ở vùng thôn quê.

Tay xách nách mang 5 bó lá đủ loại, bà Võ Thị Thu Thủy (SN 1972, trú huyện Núi Thành) cho biết, đã thành lệ, cứ dịp này, bà lại đến chợ Tam Kỳ để mua lá.

"Tôi mua gần 500.000 đồng tiền lá thuốc. Theo lời các cụ truyền lại, đúng 12h mùng 5, tôi sẽ mang nhiều loại lá đã chặt nhỏ ra phơi khô, rồi để dành dùng cho cả năm. Hằng ngày, tôi nấu nước từ "lá mùng 5" cho gia đình uống thay cho trà, giúp thanh nhiệt, tiêu thực, rất tốt cho sức khỏe", bà Thủy nói.

anh 14jpg 1346.jpeg
"Lá mùng 5" là "thương hiệu" thức uống không thể thiếu của người xứ Quảng vào dịp tết Đoan ngọ. Ảnh: Nguyễn Nam

Không đơn thuần chỉ là một thức uống, "lá mùng 5" còn là ký ức, truyền thống dân gian. Đi chợ mùng 5, không ôm về một bó lá, trưa mùng 5 thiếu ly nước lá thơm ngon thì có lẽ ngày tết Đoan ngọ sẽ không trọn vẹn với bà con xứ Quảng.

>> Có nên cúng Tết Đoan ngọ trước ngày? Văn khấn Tết Đoan ngọ đúng chuẩn cổ truyền

Kiếm hàng chục triệu dịp Tết Đoan ngọ nhờ bán mâm cỗ cúng độc đáo

Văn khấn tết Đoan ngọ 2024 chuẩn theo bài cúng cổ truyền

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/ban-la-mung-5-dip-tet-doan-ngo-dan-xu-quang-bo-tui-ca-tram-trieu-2289773.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bán 'lá mùng 5' dịp tết Đoan ngọ, dân xứ Quảng bỏ túi cả trăm triệu
    POWERED BY ONECMS & INTECH