Nhóm cổ đông lớn nhất Tập đoàn PC1 đã đăng ký bán ra hơn 73 triệu cổ phiếu PC1 nhằm “mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư” với lợi nhuận "khủng".
CTCP BEHS vừa công bố bán thành công toàn bộ hơn 53,9 triệu cổ phiếu của Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1) trong khoảng thời gian từ ngày 22-24/1. Các công ty liên quan như BEH và BES cũng đã bán toàn bộ 11 triệu và 8,6 triệu cổ phiếu tương ứng trong các ngày 22 và 23/1.
Tổng cộng, nhóm nhà đầu tư này đã thoái vốn bán ra tổng cộng 73,4 triệu cổ phiếu PC1, chiếm 23,6% tổng vốn của công ty. Toàn bộ giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.
Thông tin về đơn vị mua lại lượng lớn cổ phiếu từ BEHS vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 22/1, PC1 đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài khi mua ròng mạnh hơn 126 tỷ đồng.
Nhà đầu tư BEHS lần đầu xuất hiện vào tháng 5/2020 khi mua vào hơn 28 triệu cổ phiếu PC1, phần lớn đến từ nhận chuyển nhượng cổ phiếu của quỹ Dragon Capital. Nhóm này mua thêm lên 24% vốn vào cuối tháng 10/2020, sau đó tiếp tục gom thêm cổ phần và nhận cổ tức để nâng tổng sở hữu lên mức trên 26% vốn.
Đây là thương vụ có lời đối với BEHS do cổ phiếu PC1 có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 5/2020 đến nay. Tại thời điểm BEHS bắt đầu mua vào, PC1 chỉ có giá điều chỉnh quanh 9.000 đồng/cp và tăng lên 12.000 đồng/cp vào cuối tháng 10/2020.
Dữ liệu giao dịch cho thấy, tổng giá trị chuyển nhượng 73,4 triệu cổ phiếu PC1 lên đến 1.870 tỷ đồng, tương đương với mức giá thỏa thuận bình quân khoảng 25.500 đồng/cp.
Nếu tính theo giá bán bình quân, BEHS có khả năng đã lãi tới 335% trong thương vụ rút vốn này. Trong khi đó, cổ phiếu PC1 thậm chí đã tiến về mức 29.000 đồng/cp trong phiên ngày 29/1, đưa giá trị vốn hóa doanh nghiệp lên hơn 9.000 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu PC1 |
Cổ đông lớn thoái vốn trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Tập đoàn PC1 vẫn ở mức thấp. Báo cáo 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận doanh thu thuần 5.198 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 159 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và giảm 37% so với cùng kỳ năm trước do mảng điện kém hiệu quả. So với kế hoạch năm, tập đoàn này mới thực hiện được 55% mục tiêu doanh thu và 33% chỉ tiêu lợi nhuận.
Các động thái gần đây cho thấy Tập đoàn PC1 đang đẩy mạnh mảng bất động sản khu công nghiệp nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh hoạt động phát triển công suất điện đang chậm lại và mảng khai khoáng đối mặt với các khó khăn trong ngắn hạn với việc giá nickel giảm đáng kể.
Hiện một số tổ chức tài chính kỳ vọng hoạt động kinh doanh của Tập đoàn PC1 sẽ hồi phục trở lại từ năm sau khi mảng xây lắp điện hưởng lợi trực tiếp từ loạt dự án cơ sở hạ tầng điện lớn được triển khai theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII). Trong đó, VNDirect (VND) kỳ vọng PC1 sẽ trúng các gói thầu lớn từ dự án đường dây truyền tải 500kV Quảng Trạch - Phố Nối với quy mô đầu tư khoảng 1 tỷ USD, cũng như sản lượng thủy điện phục hồi và điện gió ổn định.
Dự phóng thu nhập lãi ròng của PC1 sẽ chạm đáy vào năm 2023 với khoảng 239 tỷ đồng, giảm gần phân nửa so với cùng kỳ. Lợi nhuận cải thiện dần từ năm 2024 trở đi với mức 800 tỷ đồng, tăng trưởng 234% trên mức nền thấp.
Cổ phiếu đáng chú ý ngày 29/1: HPG, CTR, HND
KQKD quý IV/2023: VNDirect (VND) tạm giữ ngôi vương với mức tăng trưởng lợi nhuận 116 lần