Bán rẻ vẫn "ế", bức tranh ngành thép cuối năm liệu có sáng?

20-11-2022 08:07|Bảo Trâm

Tình hình tiêu thụ sụt giảm có thể khiến hoạt động kinh doanh mặt hàng thép nói chung, thép xây dựng nói riêng cuối năm có phần ảm đạm.

Không thể kích cầu dù giá thép giảm mạnh

Trên thị trường thế giới, giá thép giao kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn giao dịch Thượng Hải hôm nay giảm 26 Nhân dân tệ so với phiên giao dịch hôm qua, xuống mức 3.646 Nhân dân tệ/tấn.

Tại thị trường trong nước, giá thép xây dựng không có biến động mới từ ngày 12/10 cho đến nay. Tuy nhiên, giá thép đang ở mức thấp nhất từ tước đến nay.

Thường vào dịp cuối năm sẽ là thời điểm sôi động của thị trường thép, khi nhu cầu xây dựng tăng cao sẽ khiến sản lượng tiêu thụ thép tăng theo, giá bán có nhiều thay đổi. Nhưng năm nay lại khác, thời điểm này giá thép đang giảm thấp nhưng thực thế tình hình tiêu thụ lại sụt giảm khiến hoạt động kinh doanh mặt hàng thép nói chung, thép xây dựng nói riêng có phần ảm đạm.

Tại nhiều tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng thép xây dựng tại Hà Nội như Đội Cấn, La Thành, Dịch Vọng… những ngày này không khí mua bán mặt hàng thép xây dựng, thép công trình hầu như thưa vắng. Nhiều chủ cửa hàng, đại lý thép cho biết, sức mua giảm mạnh từ 30% - 50% so với cùng kỳ những năm trước mặc dù giá thép thời điểm này so với đầu năm đã giảm rất mạnh.

Một số chủ đại lý thép tại Hà Nội cho biết, năm nay nhu cầu mua thép xây dựng giảm mạnh, mấy tháng nay chưa nhận được hợp đồng mới và lớn nào. Đơn hàng mua thép rất nhỏ lẻ chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu sửa chữa, gia cố nhà ở dân sinh nên việc kinh doanh khá khó khăn.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính riêng từ tháng 5 - 8/2022, giá thép đã trải qua 15 lần điều chỉnh, giảm từ mức gần 20 triệu đồng/tấn xuống còn hơn 14 triệu đồng/tấn. Giá bán giảm mạnh nhưng tiêu thụ lại không khả quan khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó.

Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho hay, trong tháng 10/2022, tiêu thụ thép các loại đạt gần 2 triệu tấn, giảm 7,19 % so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ. Nhu cầu yếu khiến cho nhiều doanh nghiệp thép báo lỗ nặng trong quý III/2022 vừa qua, với các khoản nợ lớn đè nặng lên hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Chưa có tín hiệu sáng

Nhận xét về thị trường thép hiện nay, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia trong ngành thép cho rằng, khó khăn hiện tại xuất phát từ việc tổng cầu về vật liệu thép trong xây dựng suy yếu, trong khi giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, như giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn; tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh. Những yếu tố này diễn ra đồng loạt khiến cho DN khó lòng ứng phó, liên tục gặp thua lỗ.

Bên cạnh đó, những yếu tố khác như cuộc xung đột Nga - Ukraine, chính sách thực hiện Zero Covid-19 của Trung Quốc khiến nhu cầu thép tại thị trường này giảm. Trong khi đây là một trong những thị trường xuất khẩu chính của nhiều doanh nghiệp; lạm phát toàn cầu cũng đang ảnh hưởng đến ngành thép và xây dựng trong nước.

Cùng với đó, lạm phát và suy thoái kinh tế làm yếu đi cầu thép thế giới. Cầu và giá thép nội địa cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Thị trường bất động sản trong nước trầm lắng do tín dụng của ngành này bị siết chặt cũng góp phần khiến tiêu thụ thép Việt Nam giảm mạnh.

Với những diễn biến trong nhiều tháng qua, nhiều chuyên gia đánh giá, đây là giai đoạn khó khăn với các doanh nghiệp ngành thép, khi giá nguyên vật liệu tăng cao, nhưng giá bán trong nước lại liên tục giảm và giá thế giới cũng giảm mạnh.

Hòa Phát (HPG): 'Quân bài' chiến lược mở đường vào siêu dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD

‘Huy động’ gần 40.000 tỷ đồng cùng 330.000 tấn thép, xây dựng đường hầm 11km chạy xuyên hồ nước rộng 2.250km2

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ban-re-van-e-buc-tranh-nganh-thep-cuoi-nam-lieu-co-sang-158936.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bán rẻ vẫn "ế", bức tranh ngành thép cuối năm liệu có sáng?
    POWERED BY ONECMS & INTECH