Bất động sản

Bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý khi thi hành sớm các luật về đất đai, nhà ở

Khúc Văn 21/06/2024 12:00

Các Đại biểu Quốc hội cho biết việc thi hành sớm các luật liên quan đến đất đai, nhà ở cần được Chính phủ nhận diện đầy đủ rủi ro cũng như chủ động có các giải pháp xử lý, bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực...

Đại biểu đề nghị Chính phủ bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản dưới luật

Ngày 20/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Ảnh minh họa
Đại biểu đề nghị Chính phủ bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản dưới luật.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta.

Ngoài ra, các luật đã khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây, đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Nhất trí với việc để Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sớm đi vào cuộc sống, nhiều đại biểu khẳng định đây không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này.

Một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay, tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai các luật này.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng việc điều chỉnh hiệu lực của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cơ bản bảo đảm thống nhất hiệu lực của 4 luật này.

Tinh thần cải cách sẽ đem lại nhiều động lực cho sự phát triển

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, báo cáo Quốc hội tính thống nhất về nội dung của 4 luật và giữa 4 luật với các luật khác trong hệ thống pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…

Doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ được sử dụng đất đai theo phương án được phê duyệt
Tinh thần cải cách sẽ đem lại nhiều động lực cho sự phát triển.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc hoan nghênh Chính phủ đã có tinh thần cải cách, quyết liệt để đưa các luật vào thi hành sớm 5 tháng. Điều này sẽ mang lại nhiều động lực cho phát triển.

“Trong bối cảnh còn tồn tại một bộ phận cán bộ có tâm lý sợ sai, không dám chịu trách nhiệm, việc Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh hoàn thiện các văn bản để đưa các Luật, đặc biệt là Luật Đất đai vào cuộc sống thể hiện tinh thần dũng cảm, không sợ trách nhiệm. Để 5 tháng nữa các luật có hiệu lực thi hành thì chắc chắn hơn cho mình nhưng lại làm chậm sự phát triển của đất nước”, ông Lộc nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, trong Luật Đất đai có rất nhiều quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Khi luật chính thức có hiệu lực, vẫn cần phải chờ các văn bản hướng dẫn mới có thể thực sự thi hành.

“Những quy định đã có quy định rõ ràng trong luật thì sẽ được áp dụng ngay, đặc biệt là những quy định có tác động lớn tới đời sống người dân như: hỗ trợ bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số; mở rộng hạn mức đối tượng chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp…”, ông Hòa nói.

Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo nội dung về tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, đồng thời cần nhận thức rõ những thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh của việc điều chỉnh thời gian có hiệu lực để sớm có phương án khắc phục kịp thời và hiệu quả.

Ủng hộ việc thông qua dự án luật này nhằm giúp pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Đoàn Hải Dương) lưu ý công tác xây dựng pháp luật cần vừa đáp ứng với những thay đổi trước mắt, vừa thể hiện tầm nhìn dài hạn, có dự liệu, tính toán, lường trước để đảm bảo sự nhất quán.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng sớm xây dựng, ban hành các văn bản theo quy định để việc đẩy sớm thời hạn có hiệu lực của các luật này có đầy đủ ý nghĩa, tác động tích cực như kỳ vọng.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cũng cho rằng để đảm bảo tính khả thi và chất lượng của dự án luật sau khi ban hành, Chính phủ cần tập trung hơn nữa, đẩy mạnh việc chỉ đạo xây dựng các văn bản dưới luật, các văn bản hướng dẫn triển khai chi tiết; nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật, chủ động có các giải pháp xử lý, khắc phục.

Theo đó, cần bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp. Chính phủ phải cam kết chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành của các luật.

Chính phủ cần phải đưa ra cam kết rõ ràng gắn với trách nhiệm cụ thể của các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng… nếu để chậm tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng của các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật thì sẽ như thế nào.

>>Luật Đất đai năm 2024: Quy định về bồi thường khi thu hồi đất

Luật Đất đai 2024 quy định đơn vị nào thực hiện bồi thường đất thu hồi cho cá nhân, tổ chức?

11 loại đất sẽ được sử dụng lâu dài theo Luật Đất đai 2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bao-dam-khong-tao-khoang-trong-phap-ly-khi-thi-hanh-som-cac-luat-ve-dat-dai-nha-o-239443.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý khi thi hành sớm các luật về đất đai, nhà ở
    POWERED BY ONECMS & INTECH