Báo Singapore bất ngờ về giá nhà ‘ngất ngưởng’ của Hà Nội và TP. HCM
Theo nhật báo kinh tế của Singapore, giá nhà tại các thành phố lớn của Việt Nam đều lọt top đắt đỏ của khu vực Đông Nam Á.
Vừa qua, nhật báo tài chính của Singapore - Business Times đã có bài viết về thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM.
Theo Business Times, thị trường nhà ở Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn khi giá tiếp tục tăng vọt, trong đó TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh doanh và tài chính của đất nước - hiện là một trong những thành phố đắt đỏ nhất Đông Nam Á đối với người dân địa phương, vượt qua Bangkok, Jakarta và Singapore.
Dân số tăng nhanh, hoạt động đầu cơ bất động sản và nguồn cung khan hiếm đang đẩy giá nhà vượt xa mức tăng trưởng thu nhập, phản ánh những thách thức mà nhiều thành phố lớn trên thế giới đang đối mặt.
Giá nhà TP. HCM đắt đỏ bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa |
Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành của Savills Việt Nam chia sẻ với báo Singapore: "Nguồn cung nhà ở tại TP. HCM đang ở mức thấp kỷ lục". Ông cho biết, nguyên nhân là ở các ràng buộc pháp lý, vấn đề từ các nhà phát triển, thị trường tài chính và khu vực công.
Theo dự báo của Savills, TP. HCM sẽ thiếu hụt hơn 18.000 ngôi nhà từ nay đến năm 2026, trong đó ít hơn 5% nguồn cung trong 3 năm tới sẽ là các căn hộ có giá dưới 3 tỷ đồng (khoảng 120.000 USD).
Tại Hà Nội, giá bất động sản tăng cao cũng gây thất vọng cho người mua nhà. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của nhóm Facebook “Cộng đồng ngừng mua nhà tại Hà Nội để tránh tình trạng đầu cơ”, thu hút hơn 100.000 thành viên kể từ khi thành lập vào tháng 4/2024.
Thêm vào đó, bảng giá đất mới tại nhiều địa phương sau khi Luật Đất đai sửa đổi đã gây lo ngại về việc tăng giá nhà. Bộ Xây dựng cảnh báo rằng điều chỉnh này có thể khiến giá nhà tăng thêm 15-20% do chi phí phát triển tăng.
Dự thảo giá đất mới tại TP. Hồ Chí Minh, công bố vào tháng 7/2024, có thể đẩy giá đất tăng gấp 5-10 lần, thậm chí ở một số khu vực lên đến 50 lần so với khung giá cố định trước đây.
>> Các phân khúc BĐS tăng trưởng tích cực, kỳ vọng sẽ 'hồi sinh' vào cuối năm 2024
Phí sử dụng đất thường chiếm 7-20% chi phí phát triển cho các dự án căn hộ cao tầng và từ 25-50% đối với nhà chung cư và biệt thự.
Tại Hà Nội, giá nhà cũng tăng cao. Ảnh: Internet |
Dù giá nhà tăng mạnh, nhu cầu mua bất động sản vẫn cao. Nhiều người Việt Nam không phụ thuộc vào vay ngân hàng mà ưa chuộng vốn chủ sở hữu, duy trì nhu cầu mua bất động sản. Điều này được minh chứng khi khối lượng giao dịch bất động sản trong nước tăng 35% trong 9 tháng đầu năm 2024, theo VinaCapital. Trên Batdongsan.com.vn, lượng tìm kiếm về đất đai, nhà riêng và căn hộ cũng tăng mạnh so với năm ngoái.
Ngành bất động sản Việt Nam đã bước vào suy thoái năm 2022 và chỉ bắt đầu phục hồi vào quý I/2024. Tuy nhiên, tín dụng xây dựng và phát hành trái phiếu vẫn còn ở mức thấp.
Mặc dù vậy, có sự lạc quan về những cải cách gần đây trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở, giúp cải thiện việc tiếp cận đất đai và cung cấp ưu đãi cho nhà ở xã hội. Ông Eric Levinson - Giám đốc Quan hệ Đối tác Thể chế tại VinaCapital, tin rằng Chính phủ sẽ sử dụng các công cụ như tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để thúc đẩy thị trường bất động sản.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở tại thành phố lớn như TP. HCM, bài viết cũng đề cập đến xu hướng mua nhà tại các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Đây là những khu vực bất động sản có mức giá “mềm” hơn và được hưởng lợi từ sự cải thiện hạ tầng giao thông kết nối.