Sống

Bảo vật trấn dữ long mạch của chúa Nguyễn: Nằm trong "Thần kinh nhị thập cảnh" lừng danh, vẫn được bảo tồn trọn vẹn sau hơn 400 năm

Quỳnh Châu 25/09/2023 10:20

Chùa Thiên Mụ có vai trò trấn giữ về mặt phong thủy đối với thủ phủ Phú Xuân của các triều đại vua chúa nhà Nguyễn.

Chùa Thiên Mụ do chúa Nguyễn Hoàng xây dựng từ năm 1601. Đây là một trong những bảo vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn còn được giữ gìn sau hơn 400 năm. “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” khắc bài ký và minh của chúa Nguyễn Phúc Chu, gồm 1.250 chữ Hán - không bao gồm các chữ trên trán bia và các con dấu.

Empty

Chùa Thiên Mụ - thủ thuật chính trị đặc sắc của chúa Nguyễn

Chuyện kể rằng, năm 1600, lúc mới vào làm trấn thủ xứ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng (vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong) thường đích thân đi xem xét địa thế để mở mang bờ cõi, xây dựng cơ đồ.

Trong một lần rong ruổi lên vùng mạn ngược của sông Hương, ông bắt gặp ở phía bờ Bắc có một ngọn đồi nhỏ tên là Hà Khê nhô lên bên một khúc quanh của dòng sông tạo nên thế đất như con rồng đang ngoái đầu nhìn lại. Dân trong vùng còn kể rằng, đêm đêm có một bà tiên mặc quần xanh áo đỏ xuất hiện trên đồi nói với mọi người rằng sẽ có một vị minh chúa đến đây lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch cho nước Nam hùng mạnh.

Nguyễn Hoàng nghe chuyện cả mừng nên năm 1601 đã cho xây dựng một ngôi chùa ở trên đồi và đặt tên là “Thiên Mụ”, có nghĩa là “Bà mụ nhà trời”. Đến năm 1862, do sợ chữ “Thiên” phạm húy” đến “Trời” nên vua Tự Đức cho đổi "Thiên Mụ" thành "Linh Mụ", nghĩa là “Bà mụ linh thiêng".

Theo các nhà nghiên cứu, việc chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng hai ngôi quốc tự là chùa Thiên Mụ (năm 1601) ở thượng nguồn sông Hương và chùa Sùng Hóa (năm 1602) ở phía hạ lưu chính là việc “đánh dấu” vùng đất xây dựng cơ đồ của dòng họ Nguyễn (gồm 9 chúa 13 vua) ở xứ Đàng Trong, mà khởi đầu là việc lập phủ ở Kim Long (ngay gần chùa Thiên Mụ) của các chúa Nguyễn, rồi tiếp đến là xây dựng kinh đô Phú Xuân (trung tâm TP Huế ngày nay) của các vua nhà Nguyễn sau này.

Đồng thời, việc tạo nên chuyện Bà Mụ mang màu sắc huyền bí khi xây chùa Thiên Mụ cũng là cách thu phục nhân tâm của chúa Nguyễn khi mới vào nắm quyền cai trị vùng đất “ô châu ác địa” với đủ thứ thành phần cư dân lưu tán, tội phạm, trộm cướp từ khắp nơi kéo về ẩn thân sinh sống ở Thuận Hóa lúc bấy giờ.

Chùa Thiên Mụ còn có vai trò trấn giữ về mặt phong thủy đối với thủ phủ Phú Xuân. Nơi đây cũng là địa điểm diễn ra các quốc lễ, các nghi lễ Phật giáo quan trọng do các chúa Nguyễn tổ chức kể từ đầu thế kỷ 17. Chùa trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh tiêu biểu của các thế hệ chúa Nguyễn và sau này là của các hoàng đế triều Nguyễn.

Empty

Tính từ năm 1601 đến nay, chùa Thiên Mụ đã trải qua 421 năm thăng trầm cùng lịch sử nhưng vẫn mang dáng vẻ tuyệt đẹp về mặt cảnh quan và kiến trúc, xứng danh là một trong “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp nổi tiếng nhất đất Thần kinh) và là ngôi quốc tự đứng đầu của xứ Huế.

Công trình có nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao

Theo hồ sơ di sản, bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” là một tác phẩm điêu khắc đá đặc sắc của Việt Nam vào đầu thế kỷ 18, với kích thước đồ sộ nhất trong các bia đá thời chúa Nguyễn. Hình thức trang trí và kỹ thuật chạm khắc trên bia phản ánh sự kế thừa từ mỹ thuật thời Lê - Trịnh. Tuy nhiên lại có những nét riêng của phong cách bia thời Nguyễn, với những đặc điểm mang giá trị thẩm mỹ tiêu biểu.

Giới khảo cổ cho rằng, các dấu ấn được chạm trên bia rất đa dạng với 4 loại hình (2 dấu hình chữ nhật, 1 dấu hình oval, 1 dấu hình vuông, 1 dấu hình tròn). Các dấu ấn được khắc chồng lên phần chữ của minh văn theo cách đóng dấu trên văn bản hành chính.

net chu thien mu tu

Cận cảnh nét chữ và dấu khắc chồng lên nhau.

Đặc biệt nội dung cô đọng, sâu sắc, thể hiện sự uyên thâm về kiến thức của chúa Nguyễn Phúc Chu, sự phong phú về hình thức nghệ thuật và trình độ chạm khắc trên đá của các nghệ nhân đương thời. Trong đó, dấu ấn “Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo” (ấn truyền quốc của các chúa Nguyễn) được thể hiện ở hai vị trí: trên trán bia và ở cuối minh văn.

Mặc dù là dấu được khắc chồng lên nhưng nghệ thuật chạm khắc điêu luyện ở chỗ vẫn thể hiện được hai lớp nội dung khác nhau (nội dung của dấu ấn và phần nội dung bia), đủ để người đọc hình dung được thứ tự văn bản. Đây là hình thức vô cùng độc đáo thể hiện minh văn trên bia đá y như trên văn bản giấy.

Empty

Hình ấn “Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo” khắc trên bia.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, sự tác động của chiến tranh, thời tiết và con người, bia vẫn tồn cùng mạch nguồn tư tưởng, triết lý nhân văn thời chúa Nguyễn.

Với những giá trị độc bản về hình thức tạo tác, trang trí mỹ thuật. Đồng thời với sự sâu sắc về giá trị tư tưởng, lịch sử, văn hóa thời chúa Nguyễn, đặc biệt liên quan trực tiếp đến chúa Nguyễn Phúc Chu - vị chúa Nguyễn có nhiều công lao trong sự nghiệp mở mang phát triển đất nước vào đầu thế kỷ 18, bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2020.

Ngày nay, chùa Thiên Mụ được bao bọc xung quanh bởi một khuôn thành xây bằng đá và gạch mang hình dáng như con rùa. Bước chân vào chùa, du khách bắt gặp ngay biểu tượng gắn với hình ảnh của chùa Thiên Mụ - tháp Phước Duyên. Tháp 7 tầng được xây bằng gạch, cao 21 m. Tiến sâu vào bên trong, du khách sẽ đến điện Đại Hùng, chính điện và cũng là gian lớn nhất của chùa. Khuôn viên chùa có nhiều vườn hoa, cây cối được chăm sóc và tỉa kĩ lưỡng.

Empty

Lời nguyền “oán tình duyên”

Ngoài sự kỳ vĩ của ngôi chùa và các bảo vật, quá trình hình thành và phát triển của chùa Thiên Mụ gắn liền với rất nhiều huyền tích bí ẩn, được đời sau nhắc mãi. Trong đó nổi bật là câu chuyện “oán tình duyên”.

Chuyện kể rằng, ở vùng đất đó có một đôi trai gái yêu nhau say đắm. Nhưng trớ trêu thay, tư tưởng thời đó không chấp nhận một chàng trai nghèo, gia đình thấp hèn có thể kết hôn với con nhà tiểu thư khuê các. Đôi uyên ương này rơi vào hoàn cảnh như vậy. Do đó, tình yêu của họ chịu sự phản đối quyết liệt từ gia đình nhà gái.

Quá đau khổ cho số phận, cả hai cùng nhau gieo mình xuống dòng sông Hương. Cứ tưởng rằng “sống không được ở cùng nhau thì chết sẽ bên nhau mãi mãi”. Tuy nhiên, chỉ có chàng trai ra đi, còn cô gái thì trôi dạt vào bờ và được người dân cứu sống.

Nỗi đau về tình yêu của cô gái dần được hàn gắn qua thời gian. Trong khi đó, chàng trai vẫn chờ đợi cô gái nơi tử nguyệt nhưng mãi không thấy. Chàng uất ức “nhập” vào chùa Thiên Mụ. Từ đó về sau, người ta truyền tai lời nguyền rằng: “Bất kỳ cặp đôi nào yêu nhau, tới đây đều sẽ không có kết cục tốt đẹp”.

Lời nguyền cho đến nay vẫn chưa được phá bỏ, khiến cho chùa Thiên Mụ tăng thêm huyền bí. Tuy nhiên, vị trụ trì chùa cho rằng đây là câu chuyện được thêu dệt, để răn đe các cặp đôi yêu nhau - lợi dụng góc khuất trong chùa để làm những chuyện trái với chốn tôn nghiêm.

Bảo tàng hơn 2.300 tỷ đồng có ‘kiến trúc đẹp nhất thế giới’ của Việt Nam: Diện tích gần 54.000m2, trưng bày hơn 70.000 tài liệu và bảo vật quan trọng

Viên ruby nặng 2,16kg là bảo vật quốc gia của Việt Nam khiến thị trường đá quý thế giới phải ngỡ ngàng

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bao-vat-tran-du-long-mach-cua-chua-nguyen-nam-trong-than-kinh-nhi-thap-canh-lung-danh-van-duoc-bao-ton-tron-ven-sau-hon-400-nam-d108930.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bảo vật trấn dữ long mạch của chúa Nguyễn: Nằm trong "Thần kinh nhị thập cảnh" lừng danh, vẫn được bảo tồn trọn vẹn sau hơn 400 năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH