Cấm xe máy xăng: Xây trạm sạc xe điện phải đi trước một bước
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh việc phát triển, xây dựng trạm sạc xe điện cần theo nhu cầu thực tế, đi trước một bước.
Ngày 16/7, UBND TP. Hà Nội tổ chức cuộc họp với đại diện các sở, ngành cùng các doanh nghiệp liên quan về tiến độ triển khai những chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội trong chuyển đổi xanh phương tiện giao thông trên địa bàn.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đào Việt Long cho biết trong thời gian qua, công tác chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ định hướng đúng đắn và quyết tâm cao của thành phố trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Giai đoạn 2025-2026, Sở Xây dựng đã hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh. Đồng thời, mở rộng mạng lưới xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh; triển khai xây dựng các trạm sạc xe buýt điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh trong năm nay là 10%; kế hoạch năm 2026 là 20-23%.

Theo ông Đào Việt Long, trong giai đoạn 2027-2030, Sở Xây dựng sẽ triển khai công tác chuyển đổi theo lộ trình và hoàn thành công tác chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diesel sang xe buýt sử dụng điện. Đồng thời, mở rộng mạng lưới trạm sạc đảm bảo hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, mở rộng mạng lưới xe buýt điện để tăng tính kết nối, tăng năng lực cung ứng.
Đối với việc chuyển đổi xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, ông Long cho biết, hiện có 65 đơn vị đang hoạt động với tổng số 18.612 xe taxi. Đến hết tháng 6/2025, đã có 8.831 xe taxi điện, chiếm 47,4% số phương tiện taxi đang hoạt động. Hiện có 23 đơn vị taxi đã có văn bản gửi Sở, trong đó có kế hoạch chuyển đổi 100% xe điện thay thế cho các xe ngừng hoạt động đến hết năm 2030.
Đại diện Tổng Công ty điện lực Hà Nội cho biết: “Hiện nay, các trạm sạc trên địa bàn Hà Nội đang áp dụng theo giá điện kinh doanh trong 3 năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thời điểm hiện tại, nguồn điện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu sạc điện của người dân. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố nhiều khu vực đang thừa, có nơi lại thiếu trạm sạc. Do vậy, với lộ trình chuyển đổi đến năm 2030 cần có quy hoạch trạm sạc theo từng khu vực để việc điều phối điện được đảm bảo”.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Xây dựng chủ trì rà soát các quy định, tiêu chuẩn để báo cáo, đề xuất kiến nghị, xây dựng đề án tổng thể chuyển đổi xanh toàn thành phố. Lãnh đạo Hà Nội giao Sở Xây dựng nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh luồng tuyến xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo khép kín hệ thống giao thông cộng trên địa bàn Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, việc phát triển, xây dựng trạm sạc cần được thống nhất có quy hoạch cụ thể, xây dựng theo nhu cầu thực tế. Bên cạnh việc chuyển đổi xe buýt cần khẩn trương chuyển đổi xe taxi và xe máy. Do vậy, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của thành phố và nhân dân cùng thực hiện.
"Để thực hiện được mục tiêu, cần có lộ trình chi tiết, cần thực hiện xây dựng hạ tầng, đặc biệt là trạm sạc phải đi trước một bước, phân nhóm sử dụng đất để triển khai… Hà Nội luôn sẵn sàng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực chuyển đổi phương tiện giao thông xanh”, ông Quyền nhấn mạnh.
>> 250 xe buýt điện chuẩn bị lăn bánh tại TP Hồ Chí Minh: VinBus là một trong hai nhà thầu chính
Hà Nội cấm xe máy xăng từ vành đai 1: Dân chung cư sạc xe điện ở đâu?
Cấm xe máy xăng ở Hà Nội: Đại lý xe máy điện 'hưởng lộc', giá có thể tăng nhẹ