Bảo vật quốc gia - Ngai vàng duy nhất còn lại ở Việt Nam vừa bị khách tham quan bẻ gãy thành nhiều khúc
Hiện, đối tượng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ và đang tiếp tục điều tra, làm rõ động cơ của hành vi phá hoại này.
Tối 24/5, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xác nhận một người đàn ông đã bị lực lượng bảo vệ khống chế và bàn giao cho công an sau hành vi cố tình leo lên ngai vàng triều Nguyễn đang được trưng bày tại điện Thái Hòa trong Đại nội Huế và có hành vi phá hoại.

Trước đó trong ngày, người này đã mua vé vào tham quan di tích như bình thường. Tuy nhiên, khi đến khu vực điện Thái Hòa, đối tượng bất ngờ vượt qua hàng rào bảo vệ, leo thẳng lên ngai vàng, ngồi lên đó và liên tục nói những lời khó hiểu trước sự ngỡ ngàng của các du khách có mặt.
Không dừng lại, người đàn ông còn cởi áo, phá hỏng phần bệ tì tay của ngai vàng rồi tiếp tục đi lại, gây rối tại khu vực trưng bày. Toàn bộ hành động này đã được một du khách nước ngoài ghi lại và chia sẻ lên mạng xã hội vào trưa cùng ngày, thu hút sự chú ý và phẫn nộ của dư luận.

Ngay khi sự việc xảy ra, lực lượng bảo vệ tại chỗ đã lập tức can thiệp và khống chế đối tượng, đồng thời chuyển giao cho cơ quan công an để xử lý theo quy định. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ động cơ cũng như tình trạng tâm lý của người này.
Ngai vàng triều Nguyễn được xem là biểu tượng quyền lực tối thượng của chế độ quân chủ Việt Nam. Đây là chiếc ngai duy nhất của các triều đại phong kiến còn được lưu giữ nguyên vẹn đến nay. Ngai có chiều cao 101 cm, rộng 72 cm, dài 87 cm; phần đế cao 20 cm, rộng 90 cm và dài 118 cm. Trong suốt lịch sử tồn tại, chiếc ngai chỉ được trùng tu một lần duy nhất dưới triều vua Khải Định (1916–1925), trong đó phần bửu tán phía trên được thay mới bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm trổ công phu thay cho chất liệu gấm lụa ban đầu.

Hiện vật quý này đang được bảo quản nghiêm ngặt trong điện Thái Hòa – công trình trung tâm của Đại nội Huế. Tháng 1/2016, ngai vàng được công nhận là bảo vật quốc gia, ghi nhận không chỉ giá trị lịch sử mà còn tầm vóc văn hóa, nghệ thuật đặc biệt mà hiện vật này mang lại cho di sản cung đình Huế.
Ảnh: Internet