Bắt 'anh trai cựu Bộ trưởng' cùng chủ hiệu thuốc lớn
Các đối tượng liên quan đến vụ buôn bán thuốc chữa ung thư giả lần lượt sa lưới.
Một đường dây buôn bán thuốc giả quy mô lớn vừa bị phanh phui tại Lebanon, với giá trị ước tính vượt 30 triệu USD. Vụ việc không chỉ làm dấy lên lo ngại về an toàn sức khỏe cộng đồng mà còn đặt ra cảnh báo nghiêm trọng về hệ thống kiểm soát dược phẩm lỏng lẻo tại quốc gia này.
Thuốc giả đội lốt hàng chính hãng, tràn vào hiệu thuốc và bệnh viện
Theo kết quả điều tra ban đầu, các loại thuốc giả được nhập lậu qua sân bay quốc tế Beirut, sau đó được phân phối tới các hiệu thuốc và cơ sở y tế như hàng chính ngạch. Nhóm đối tượng đã sử dụng bao bì giả mạo để biến thuốc kém chất lượng thành sản phẩm của những thương hiệu dược phẩm uy tín.
Các nguồn cung thuốc chủ yếu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Anh. Sau khi vận chuyển vào Lebanon, các lô hàng được dán nhãn hiệu giả và đưa vào lưu thông rộng rãi, khiến không ít bệnh nhân và bác sĩ lầm tưởng là thuốc thật.

Xác định có ít nhất 5 đối tượng liên quan đến đường dây này. Trong số đó bao gồm Mohammed Khalil anh trai của một cựu Bộ trưởng Tài chính và Mary Fawza chủ một hiệu thuốc lớn ở Beirut bị tình nghi giữ vai trò điều phối. Đáng chú ý, một nhân viên an ninh tại sân bay cũng đã bị bắt giữ vì hành vi tiếp tay cho việc nhập khẩu bất hợp pháp.
Bệnh nhân suýt mất mạng vì thuốc điều trị ung thư giả
Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi có những ca bệnh chịu hậu quả trực tiếp từ thuốc giả. Một trong những trường hợp điển hình là nữ bệnh nhân 30 tuổi tên Fadia Makawi đang điều trị ung thư vú. Cô đã mua thuốc Imfinzi từ chợ đen với giá 900 USD/lọ, nhưng thuốc bị kết tủa ngay trước khi tiêm. Nhờ phát hiện kịp thời của bác sĩ, ca điều trị đã được dừng lại, tránh nguy cơ tử vong trong gang tấc.
Dưới sự chỉ đạo của Thẩm phán Dora al-Khazen, nhà chức trách Lebanon đã phát động chiến dịch kiểm tra khẩn cấp trên toàn quốc. Nhiều hiệu thuốc bị đình chỉ hoạt động, hàng nghìn hộp thuốc nghi ngờ là hàng giả bị thu giữ để phục vụ công tác điều tra.
Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Quốc hội Lebanon đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp. Tại đây, một số nghị sĩ đưa ra cảnh báo rằng có thể “tới một phần ba số lượng thuốc đang lưu hành là giả” con số gây sốc đối với cả hệ thống y tế và người dân.

Kể từ năm 2019, Lebanon lâm vào khủng hoảng tài chính trầm trọng khiến đồng nội tệ mất giá, dự trữ ngoại tệ cạn kiệt. Việc nhập khẩu thuốc chính hãng trở nên khó khăn, dẫn đến tình trạng khan hiếm trên diện rộng. Trong bối cảnh đó, nhiều người dân buộc phải tìm đến thị trường chợ đen – nơi thuốc giả dễ dàng trà trộn mà khó bị phát hiện.
Vụ bê bối lần này phơi bày rõ ràng những kẽ hở nghiêm trọng trong hệ thống quản lý dược phẩm tại Lebanon. Việc thuốc giả thâm nhập vào các cơ sở y tế cho thấy thiếu hụt cả ở khâu kiểm định, giám sát, minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.
Các chuyên gia kêu gọi chính phủ khẩn trương cải cách hệ thống dược, trong đó ưu tiên triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc, tăng cường năng lực thanh tra và xử lý hình sự các hành vi vi phạm nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Trong bối cảnh khủng hoảng y tế kéo dài, việc đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc điều trị chất lượng, đúng giá và đúng nguồn gốc trở thành nhiệm vụ tối thượng của ngành y tế Lebanon.
>> Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an ‘tuyên chiến không khoan nhượng’ với thuốc giả, thực phẩm giả
Quốc hội đồng ý bỏ án tử hình với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, làm thuốc giả
Thủ tướng: Không khoan nhượng, quét sạch nạn thuốc giả, thực phẩm giả