Bất ngờ phát hiện cổ vật cung đình thất lạc đang được trưng bày tại một trường đại học ở Huế
Cổ vật này được phát hiện khi một nhóm bạn trẻ đam mê nghiên cứu văn hóa lịch sử ở Huế thực hiện số hóa ảnh tư liệu phục vụ việc phục hồi điện Cần Chánh.
Phát hiện tranh quý nhờ số hóa ảnh tư liệu
Theo đó, cổ vật này được xác định là một bức tranh gương quý đang được treo tại khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Huế có tên là “Trì lưu liên phẳng”. Đây là một trong những bức tranh đã từng được trưng bày trong điện Cần Chánh ở Đại nội Huế, vẽ cảnh ba chiếc thuyền nhỏ đang lướt đi trên mặt sóng.
Bức tranh cao khoảng 120cm, khung tranh được chạm năm con rồng năm móng vờn mây (tượng trưng cho uy quyền của nhà vua). Trên bức tranh có chạm một bài thơ, được xác định là ngự chế của vua Thiệu Trị, niên đại vào năm 1845.
Ngoài bức "Trì lưu liên phảng", ở khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế còn treo thêm một bức tranh gương có tên "Lang tập quần phương" vẽ cảnh một vườn phủ đệ xưa với ao nước, dinh thự… trong cung cấm.
Một số nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở Huế đặt giả thuyết cho rằng bức tranh này cũng từng được treo trong điện Cần Chánh.
Thông tin bức tranh "Trì lưu liên phảng" từng treo ở điện Cần Chánh được anh Nguyễn Tấn Anh Phong và cộng sự phát hiện trong quá trình số hóa hàng trăm bức ảnh tư liệu về ngôi điện này để phục vụ việc phục dựng lại ngôi điện từng bị phá hủy trong chiến tranh.
Theo đó, trong quá trình số hóa, anh Phong phát hiện một bức ảnh treo bức tranh gương "Trì lưu liên phảng" này trên một cột trụ gỗ ở điện Cần Chánh. Tìm kiếm thông tin trên mạng, anh Phong tình cờ thấy được bức tranh đang treo ở khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế trong ảnh của một bạn trẻ từng tham gia ngoại khóa ở đây.
Anh Phong cho biết rất vui mừng khi biết được thông tin những cổ vật từng treo trong ngôi điện quan trọng bậc nhất trong hoàng cung ấy, sau bao nhiêu bể dâu đến nay vẫn còn lại với hậu thế.
"Bức tranh quý này được cho là do ông Ngô Đình Diệm tặng Viện Đại học Huế nhân dịp thành lập viện vào năm 1957. Về sau những cổ vật này được lưu hành bên trong Đại học Huế và tồn tại cho đến nay, thật quá may mắn", anh Phong nói.
Hướng đi nào cho cổ vật quý?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế), bức tranh "Trì lưu liên phảng" thuộc hàng bảo vật bới từng được trưng bày tại điện Cần Chánh. Tuy nhiên, ngôi điện quan trọng này bị đánh sập do chiến tranh vào năm 1947, sau đó nhiều bảo vật trong đó cũng rơi vào cảnh lưu lạc nhân gian. Thông tin này rất đáng mừng trong thời điểm ngôi điện đang được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phục dựng lại trên chính nền móng cũ, bên trong Hoàng cung.
Ông Hoa nói rằng cả hai bức tranh gương hiện đang lưu giữ ở khoa lịch sử có chất liệu rất tốt, gần như còn nguyên vẹn.
"Tuy nhiên nếu nó nằm ở khoa lịch sử, bị đóng kín vì lo sợ mất cắp thì sẽ không phát huy được giá trị. Vậy nên bức tranh ấy cần về lại đúng chỗ, có thể là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế để trước mắt phục vụ công chúng thưởng lãm và đặc biệt là được sự bảo vệ tốt hơn. Sau nên được treo lại ở điện Cần Chánh", ông Hoa nói.
Sau khi phục dựng, việc cần làm tiếp theo đó là phải đưa được những cổ vật từng được trưng bày trong ngôi điện này về chốn cũ, tạo được không gian hoàng triều như dưới triều Nguyễn để phục vụ du lịch, phát huy giá trị lịch sử của công trình.
Điện Cần Chánh là nơi các vị vua triều Nguyễn thiết triều, tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc hoàng gia. Ngôi điện được xây dưới triều vua Gia Long thứ 3 năm 1804. Trong Tử Cấm thành, điện Cần Chánh là ngôi điện quan trọng chỉ đứng sau điện Thái Hòa (nơi đặt ngai vàng). Ngôi điện này cũng là nơi lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một vị vua chọn làm nơi tổ chức đám cưới dưới triều đại phong kiến. Đó là đám cưới lịch sử giữa vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu. Ngôi điện này bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1947 trong chiến tranh kháng Pháp và sắp được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phục dựng với tổng kinh phí gần 200 tỉ đồng. |