Chứng khoán

'Bắt tay' Trường ĐH Giao thông Vận tải, FECON thể hiện quyết tâm tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD

Hải Băng 17/11/2024 22:40

FECON nhắm làm dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Công ty thực hiện một loạt hành động để hiện thực hóa, đặc biệt liên tục hợp tác với các đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực như PowerChina, SGIDI (đều của Trung Quốc) và gần nhất là Trường Đại học Giao thông Vận tải.

Chiều 14/11 tại Hà Nội, CTCP FECON (FCN), Tổng Công ty Thăng Long và Trường Đại học Giao thông Vận tải (GTVT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác, với điểm nhấn đáng chú ý về công tác đào tạo. Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các dự án đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị trong bối cảnh chủ trương của Chính phủ đang quyết liệt định hướng triển khai, FECON xác định việc tham gia các dự án này ngay từ đầu sẽ giúp các bên chủ động được tất cả các khâu, trong đó bước đầu tiên chính là chuẩn bị về nguồn nhân lực.

Tham dự lễ ký kết, về phía Tổng Công ty Thăng Long có ông Chủ tịch HĐQT Vũ Anh Tuấn và Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Hà; về phía Trường Đại học GTVT có PGS.TS. Nguyễn Văn Cường – Phó Hiệu trưởng phụ trách cùng các thầy cô thuộc các khoa chuyên môn của trường. Về phía FECON, có sự hiện diện của Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực Trần Trọng Thắng và Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng...

'Bắt tay' với Trường ĐH Giao thông Vận tải, một ông lớn thể hiện quyết tâm tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD
Hình ảnh tại lễ ký kết (Nguồn: FECON)

Chương trình thỏa thuận hợp tác giữa 3 đơn vị bao gồm 7 nội dung chính. Trong đó, Trường Đại học GTVT tổ chức các khóa đào tạo kỹ sư đường sắt, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông cho hai doanh nghiệp. Tổng Công ty Thăng Long và FECON tạo cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tế nghề nghiệp cho sinh viên Trường Đại học GTVT. Ba bên phối hợp nghiên cứu các đề tài khoa học, chuyển giao công nghệ theo nhu cầu, đồng thời ứng dụng và quảng bá thương hiệu, sản phẩm của các bên.

Qua buổi ký kết, FECON mong muốn phát huy những thế mạnh sẵn có của các bên, đưa hợp tác đi vào thực chất, tạo nền tảng cho một khởi đầu tốt đẹp hướng đến những thành công trong thời gian tới. Sự hợp tác giữa 3 bên được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn lực để đón đầu những cơ hội cũng như vượt qua các thách thức của thị trường, đặc biệt trong các lĩnh vực mới của ngành xây dựng tại Việt Nam, đồng thời góp phần giải quyết những bài toán khó đặt ra đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

“Đối với công nghệ xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc hay công trình ngầm, chúng ta đã bắt kịp thế giới và bắt đầu ứng dụng công nghệ AI trong điều khiển tự động, điều khiển thiết bị. Đây hoàn toàn là lĩnh vực Trường Đại học GTVT có thể dẫn đầu và tạo ra đột phá công nghệ cho các bên” - Tổng Giám đốc FECON Nguyễn Thanh Tùng phát biểu.

Hiện tại, FECON tập trung phát triển thế mạnh về hạ tầng và hướng đến hạ tầng giao thông vận tải kỹ thuật cao như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị. Điều này được thể hiện qua hợp tác của FECON với các đơn vị chuyên môn trong và ngoài nước như Tổng Công ty Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina), Công ty TNHH Viện Nghiên cứu Khảo sát Thiết kế Thượng Hải (SGIDI), Tổng Công ty Thăng Long… và một số đơn vị chuyên thi công và nghiên cứu về lĩnh vực này.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trị giá 67 tỷ USD đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng trong nước. Tại phiên thảo luận trước Quốc hội ngày 13/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Nếu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, chi phí sẽ rất tốn kém. Dứt khoát doanh nghiệp Việt Nam phải đảm đương và làm chủ”. Ngoài ra, trong lĩnh vực đường sắt còn có hàng loạt dự án khác đang được xem xét đầu tư xây dựng, như dự án đường sắt TP. HCM – Cần Thơ, đường sắt lên Tây Nguyên, và các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP. HCM.

>> Hợp tác cùng nhà thầu Trung Quốc đón đầu thị trường đường sắt 75,6 tỷ USD, doanh nghiệp Việt đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu

Từ đỉnh cao xuống hố sâu, Bầu Đức kiên quyết ‘bám’ nông nghiệp, vực dậy Hoàng Anh Gia Lai (HAG)

Lãi hơn 500 tỷ đồng sau 10 tháng, Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đang yêu cầu tăng giá nước

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bat-tay-voi-truong-dh-giao-thong-van-tai-mot-ong-lon-the-hien-quyet-tam-tham-gia-du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-67-ty-usd-260597.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Bắt tay' Trường ĐH Giao thông Vận tải, FECON thể hiện quyết tâm tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH