Hợp tác cùng nhà thầu Trung Quốc đón đầu thị trường đường sắt 75,6 tỷ USD, doanh nghiệp Việt đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu
Các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam như Đèo Cả, Vinaconex (VCG)... đang chủ động hợp tác với các nhà thầu Trung Quốc để nắm bắt cơ hội lớn từ các dự án đường sắt trong thời gian tới.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một dự án trọng điểm quốc gia, có chiều dài khoảng 1.541km và tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 67 tỷ USD. Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, dự án này sẽ tạo ra thị trường xây dựng trị giá khoảng 33,5 tỷ USD. Tính cả hệ thống đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị, giá trị này sẽ lên tới khoảng 75,6 tỷ USD cho xây dựng và 34,1 tỷ USD cho phương tiện, thiết bị, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm.
Trước tiềm năng to lớn từ dự án, các nhà thầu trong nước đã chủ động chuẩn bị để nắm bắt cơ hội. Trong đó, CTCP Tập đoàn Đèo Cả đã triển khai các kế hoạch chiến lược, từ đào tạo nhân lực đến thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế nhằm đón đầu khối lượng công việc lớn từ dự án đường sắt mang lại trong tương lai.
Tập đoàn đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Giao thông Tây Nam (Trung Quốc) nhằm nâng cao nhân lực cho người lao động. Đặc biệt, hai bên cũng chú trọng xúc tiến mục tiêu hợp tác đào tạo kỹ sư thực hành và thạc sĩ quản lý các chuyên ngành thuộc lĩnh vực đường sắt như xây dựng, thông tin - tín hiệu, quản lý - vận hành và đầu máy - toa xe.
Song song đó, Đèo Cả liên tục gặp gỡ các nhà thầu quốc tế để tìm kiếm đối tác triển khai dự án. Trong tháng 9 vừa qua, Đèo Cả đã làm việc với Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc, đối tác có mối quan hệ chặt chẽ với 4 công ty xây dựng hơn 40.000km đường sắt cao tốc và doanh số đạt 150 tỷ USD tại các thị trường nước ngoài. Thông qua buổi trao đổi này, Tập đoàn Đèo Cả sẽ kết nối với các đơn vị đầu tư tài chính, tư vấn hạ tầng giao thông uy tín và các nhà thầu đường sắt chuyên nghiệp của nước bạn.
Hệ thống đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị sẽ tạo ra 75,6 tỷ USD cho thị trường xây dựng |
Ngoài ra, Đèo Cả cũng đã có buổi gặp gỡ với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) với mục tiêu hợp tác trong các dự án hạ tầng lớn như đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị. Đây là doanh nghiệp tư nhân thứ 2 của Trung Quốc, tham gia xây dựng tại hơn 1.000 thành phố và 3.000 khu công nghiệp bằng cách áp dụng hợp đồng BT, BTO, EPC và PPP. Tập đoàn này cũng trực tiếp tham gia vào các dự án của Thượng Hải - Nam Kinh, Thượng Hải - Chu Hải, Bắc Kinh - Thượng Hải, Quảng Châu – Thâm Quyến… cũng như các dự án trọng điểm quốc gia khác.
Việc kết nối với các doanh nghiệp Trung Quốc giúp Đèo Cả có thêm cơ hội học hỏi công nghệ xây dựng tiên tiến cũng như nâng cao năng lực quản lý, vận hành và triển khai các dự án quy mô lớn như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ, lãnh đạo Đèo Cả cũng thẳng thắn chia sẻ những hạn chế khi nhà thầu Trung Quốc tham gia thực hiện một số dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam trong giai đoạn trước. Các bên cần nghiêm túc nhìn nhận đó là bài học kinh nghiệm nếu tiến tới hợp tác.
“Chúng tôi đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và Tập đoàn Đèo Cả lên trên hết và không để những nhóm lợi ích chi phối hoạt động hợp tác”, Chủ tịch Hồ Minh Hoàng khẳng định.
Ngoài Đèo Cả, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG) cũng đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) nhằm nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Hà Nội. Nổi bật là đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc với vốn đầu tư sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và các chiến lược hợp tác quốc tế, các nhà thầu trong nước như Đèo Cả, Vinaconex đang nắm bắt cơ hội từ dự án đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Việc hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc giúp mang lại lợi ích về công nghệ và tài chính nhưng cần đòi hỏi một sự quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình. Điều này góp phần vào sự phát triển hạ tầng giao thông và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho đất nước.