Xã hội

Bê bối phía sau bức tượng vũ công nhỏ bị nhận xét là 'đồi trụy'

An Yên 20/09/2024 19:35

Bức tượng 'Vũ công nhỏ tuổi 14' của Edgar Degas từng bị dè bỉu là “ghê tởm, đồi trụy”. Nhưng tới năm 2022, phiên bản bằng đồng của tác phẩm được bán với giá 41,6 triệu USD.

Edgar Degas được mệnh danh là “họa sĩ của những cô gái nhảy múa”. Một nửa số tác phẩm của ông (1.500 bức) vẽ vũ công ballet Paris (Pháp). Các bức tranh đưa người xem khám phá thế giới của những cô gái mảnh mai, tao nhã trong chiếc váy bay bổng, đặc biệt là khoảng thời gian tập luyện, tổng duyệt sân khấu của họ.

Sinh tại Paris năm 1834, Degas tự nhận mình là họa sĩ theo trường phái hiện thực. Ông bắt đầu vẽ các vũ công ballet - chủ đề bán chạy thời bấy giờ, để kiếm tiền nhanh chóng trả khoản nợ khổng lồ của em trai. Trước đó, ông còn phải bán nhà cùng tài sản được thừa kế để thanh toán cho các chủ nợ nhằm bảo toàn thanh danh cho gia đình.

buc tuong.jpg
Bức tượng 'Vũ công nhỏ tuổi 14' bằng sáp và bằng đồng. Ảnh: MET

Ông là bạn của Jules-Joseph Perrot, một biên đạo múa nổi tiếng, nên dễ dàng vào xem các buổi tập và biểu diễn tại Nhà hát Opera Paris. Ngoài ra, ông thường nhờ một số vũ công tạo dáng trong studio để ông sáng tác tranh.

Họa sĩ người Pháp có khả năng khắc họa xuất thần chuyển động của nhân vật. Ngoài các bức về vũ công, phụ nữ đang tắm, ông còn vẽ ngựa đua cùng nài ngựa. Người xem cũng có thể cảm nhận được nội tâm phức tạp cùng cảm giác cô đơn của các nhân vật trong tranh.

Vào thời gian đó, nhiều vũ công trẻ phải tìm kiếm người bảo trợ tài chính. Các nữ diễn viên ballet bị mỉa mai là “những con chuột nhắt”. Một số không nhỏ thiếu nữ xuất thân khốn khó đã quyết định theo đuổi ballet để có cơ hội tiếp cận giới doanh nhân, quý tộc Paris. Những đại gia này thường tài trợ cho các vũ công bằng cách trả tiền thuê nhà, mua quần áo để có thể gặp riêng họ ở hậu trường và trong những buổi tập.

vu cong 4.jpg
Bức 'Tổng duyệt trên sân khấu' sáng tác năm 1878-1879.

Theo Barnebys, Degas đã nhận ra mặt trái này và phản ánh lại trong các tác phẩm hội họa của mình. Đó là những người đàn ông mặc vest đen và đội mũ đang ưỡn bụng, nằm ườn trên ghế bên rìa sân khấu xem các vũ công luyện tập. Mối quan hệ mập mờ của hai bên khiến các nữ diễn viên bị nghi ngờ đánh đổi tình cảm lấy tiền bạc.

Năm 1880, thị lực của Degas bắt đầu suy giảm nên ông quyết định chuyển từ tranh sơn dầu và pastel sang điêu khắc. Ông tạc bức tượng Vũ công nhỏ tuổi 14 lấy cảm hứng từ nàng thơ Marie van Goethem - vũ công ballet 14 tuổi của Nhà hát Opera Paris. Để kiếm thêm tiền, Marie đã làm người mẫu cho Degas từ năm 1878.

Bức tượng bằng sáp, sử dụng tóc thật, buộc tóc bằng ruy băng, mặc váy vải. Năm 1881, tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Ấn tượng lần thứ 6 ở Paris.

Tuy nhiên, ác cảm về các vũ công khiến sáng tác của Degas nhận tới tấp đánh giá tiêu cực cho rằng bức tượng “ghê tởm, đồi trụy”. Họa sĩ người Pháp không bao giờ công bố tác phẩm điêu khắc nào nữa dù vẫn tạc tượng suốt 40 năm.

Phản ứng không mấy tích cực trên cũng báo hiệu sự nghiệp sân khấu ngắn ngủi của Marie. Một tạp chí đưa tin cô thường xuyên xuất hiện tại 2 quán rượu tai tiếng. Sau khi rời Nhà hát Opera Paris năm 1882, Marie rơi vào quên lãng, không có thông tin nào về cuộc sống sau này của cô, thậm chí là năm mất cũng không ai hay. Chỉ có hình ảnh của cô được Degas tạc thành tượng lưu lại muôn đời.

vu cong 3.jpg
Bức 'Vũ công nghỉ ngơi' được Degas sáng tác năm 1874.

Degas qua đời vào năm 1917. Mười năm sau, nghệ sĩ người Pháp Adrien-Aurélien Hébrard đúc bức tượng Vũ công nhỏ tuổi 14 bằng đồng. Trong khi đó, bản gốc bằng sáp hiện nằm trong bộ sưu tập của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington, D.C. (Mỹ).

Ngày nay, những bức tranh của Degas đã chứng tỏ được giá trị của mình khi xuất hiện ở các viện bảo tàng danh giá nhất thế giới và có giá cao ngất ngưởng. Bức tranh Vũ công nghỉ ngơi có giá 37 triệu USD vào năm 2008. Phiên bản Vũ công nhỏ tuổi 14 bằng đồng từng bị dè bỉu được trả tới 41,6 triệu USD vào năm 2022.

Sau cái chết của Degas, những người thừa kế tìm thấy trong xưởng vẽ của ông 150 tác phẩm điêu khắc bằng sáp, nhiều bức trong tình trạng hư hỏng.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/be-boi-phia-sau-buc-tuong-vu-cong-nho-cua-edgar-degas-2323933.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bê bối phía sau bức tượng vũ công nhỏ bị nhận xét là 'đồi trụy'
    POWERED BY ONECMS & INTECH