Đây được coi là công trình đẹp và có quy mô hoành tráng bậc nhất trong các lăng mộ của phụ nữ hoàng tộc Nguyễn.
Nằm thu mình về phía Nam mạn sông An Cựu (TP. Huế) là lăng Vạn Vạn. Nơi đây thờ phụng một nhân vật Hoàng tộc mà không phải người dân xứ Huế nào cũng biết, đó chính là Hựu Thiên Thuần hoàng hậu Dương Thị Thục (1868 – 1944), thường được gọi bà Tiên Cung. Bà là vợ hai của vua Đồng Khánh, mẹ đẻ của vua Khải Định.
Kiến trúc độc đáo và hoành tráng
Về mặt kiến trúc, lăng Vạn Vạn có kiểu cách tương tự lăng Thánh Cung nhưng khuôn viên rộng hơn, hệ thống các công trình được bảo tồn nguyên vẹn hơn. Mặc dù mang những giá trị kiến trúc, cảnh quan đặc sắc, lăng Vạn Vạn hầu như không được khách du lịch biết tới.
Tuy nhiên, diện tích đất đai thuộc phạm vi lăng Vạn Vạn vẫn còn nguyên vẹn. Ở tám mặt trụ tại bốn góc nhà được trang trí các đề tài liễu mã (cây liễu và con ngựa), tiêu tượng (cây chuối và con voi), tùng lộc (cây thông và con nai), mai điểu (cây hoa mai và con chim).
Riêng khu Huyền Cung có mặt bằng hình chữ nhật với diện tích khoảng 400m2, xung quanh được bao bọc bởi hai vòng thành đồ sộ: vòng ngoài cao 4,5m, dày 0,76m; vòng trong cao 3m, dày 0,6m, xây bằng gạch và vữa xi. Ở các góc của cả hai vòng thành đều được bổ trụ và chắp hình hoa sen. Người ta đi vào khu Huyền Cung bằng một cửa xây duy nhất ở mặt tiền, thường được gọi là Bửu Thành Môn. Cửa chỉ trổ một lối đi hình vòm, bên trên xây hai tầng mái giả.
Ở cuối các bờ mái và bờ quyết đầu trang trí hình con Phụng ngoái đầu chầu vào hình trong mặt trời đặt trên đám mây được chắp ở chính giữa bờ nóc. Khắp các mặt của các trụ cửa, trán cửa, cổ diêm đều được phân khoảng thành những ô hộc và đắp nổi rất nhiều đề tài trang trí cổ điển.
Tất cả các thành phần kiến trúc và các hình ảnh vừa nói đều làm bằng đá. Loại đá thanh từ Thanh Hóa hoặc loại đá trắng từ Quảng Nam. Dù đây là vật liệu rất cứng, nhưng các nghệ nhân thời bấy giờ đã chạm trổ, tỉa tót một cách công phu và tỉ mỉ, thể hiện nên những hình ảnh sống động và duyên dáng với những đường nét hết sức mềm mại và tự nhiên.
Sở dĩ người ta dùng vật liệu đá ở đây vì từ thạch thất đến hương án đều là lộ thiên, cần có sức bền vững lớn để chịu đựng với mưa nắng, gió bão. Đây là những tác phẩm có giá trị cao về phương diện mỹ thuật, đặc biệt nhất là thuộc lĩnh vực trang trí bằng điêu khắc trên đá.
Bí mật phong thuỷ cổ xưa
Đặc biệt, đây là một lăng mộ hoàng tộc Nguyễn hiếm hoi nằm ở đồng bằng thay vì các vùng đồi núi phía Nam Kinh thành Huế. Theo tác giả Phanxipăng chia sẻ trên Tạp chí Tài hoa trẻ năm 2003, vị trí đặc biệt của lăng Vạn Vạn liên quan đến một thuyết phong thủy cổ xưa.
Cụ thể, dưới thời vua Khải Định, các thầy địa lý triều đình nhà Nguyễn đã cất công tìm một nơi phù hợp với một truyền ngôn địa phương “Cù Bạc nhất xứ huyệt, Công hầu đợi đợi bất tuyệt”. Câu này có nghĩa là, Cù Bạc (vùng đất xưa thuộc tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên) là xứ có sẵn vị trí mà nếu chọn làm huyệt mộ thì con cháu đời đời xênh xang công hầu khanh tướng.
Tên gọi lăng Vạn Vạn cũng mang yếu tố phong thủy rõ nét. Theo đó, lăng bà Tiên Cung được triều đình gọi Tư Thông lăng. Mặc dù tên chính thức như vậy, song đại đa số dân chúng vẫn quen gọi công trình này là lăng Vạn Vạn.
Theo tác giả Phanxipăng, xưa kia khoảnh đất tốt được chọn để xây lăng vua được triều đình gọi là “Vạn niên cát cục” hoặc “Vạn niên cát địa”. Ấy là xuất xứ địa danh Vạn Niên được dùng chỉ khu vực Khiêm lăng (tức lăng Tự Đức). Còn phần đất tốt được chọn để xây lăng cho cha mẹ của vua, triều đình gọi là “Vạn vạn niên cát cục” hoặc “Vạn vạn niên cát địa”. Phần đất tốt được chọn để xây lăng cho bà nội của vua thì gọi là “Vạn vạn niên đại cát cục” hoặc “Vạn vạn niên đại cát địa”. Đó là nguyên nhân khiến dân gian tạo nên địa danh Vạn Vạn. Lăng bà Tiên Cung, tức Tư Thông lăng, là lăng Vạn Vạn. Xóm ven sông An Cựu dẫn tới lăng này là xóm Vạn Vạn.
Được coi là công trình đẹp và có quy mô hoành tráng bậc nhất trong các lăng mộ của phụ nữ hoàng tộc Nguyễn, lăng Vạn Vạn đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia của Việt Nam.