Bên trong ngôi làng cổ Việt Nam hơn 600 tuổi, có 210 Tiến sĩ, từng được 2 vị vua đặt tên
Ngôi làng cổ đặc biệt này nổi tiếng bởi sự hiếu học với 210 vị tiến sĩ và nhiều tên tuổi xuất sắc trong lĩnh vực khác.
Làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) vốn nổi tiếng với sự hiếu học từ bao đời nay. Bên cạnh những “chiến tích” về sự ham học hỏi thì mảnh đất này được xem là vùng có nhiều cung điện của các đời vua nhà Trần nhất.
Từng được 2 vị vua đặt tên
Làng Hành Thiện ban đầu có tên là Hộ Xá. Có một lần, một vị vua Trần (không rõ là vị vua nào) vì thấy phong cảnh non nước hữu tình mà đã đặt tên cho làng là Hành Cung Trang. Ban đầu, ngồi làng nằm ở phía huyện huyện Trực Ninh, nhưng vào năm 1611, ngôi làng vũ bên sông Ninh Cơ bị sạt lở nên người dân tìm mua đất ở vị trí hiện nay rồi gây dựng lại ngôi làng như ban đầu (tương truyền được thầy Tảo Ao giúp quy hoạch). Ngôi làng hệt như hình một con cá chép đang quẫy đuôi vượt vũ môn. Từ đó, Hành Cung Trang cho dựng lại cả ngôi chùa Keo mới (1628) và xây đình làng.
Vào năm 1823, vua Minh Mạng đã ban sắc đặt tên cho cho nơi đây là làng Hành Thiện với mong muốn thể hiện rằng đây là một địa danh văn hóa mà con người luôn làm những việc thiện lành. Năm 2023, làng đang tổ chức lễ kỉ niệm 200 năm thành lập với cái tên Hành Thiện.
Làng hiếu học
Làng Hành Thiện đã nổi tiếng với truyền thống coi trọng việc học suốt 500 năm qua. Những bậc tiền nhân nơi đây theo học không chỉ để trở thành quan lớn mà chủ yếu để trở thành những người trí thức, những thầy dạy chữ và thầy thuốc cứu người. Những ai trở thành quan lại luôn nhận được lời răn dạy từ gia đình rằng: khi trở thành quan phải làm việc một cách thanh liêm bởi nếu phục sự đất nước mà tham ô hối lộ thì con cháu đời sau sẽ sống khó khăn túng thiếu.
Thần đồng Đặng Xuân Bảng
Đặng Xuân Bảng (ông nội Cố Tổng bí thư Trường Chinh) dù gia đình không có đủ điều kiện để cho cụ theo học cùng thầy, nhưng chỉ bằng việc tự học và được cha là cụ Đặng Viết Hòe, hướng dẫn mà cụ đã đỗ Tiến sĩ ở tuổi 29.
Đặc biệt biệt hơn cả là cụ đã đỗ Tiến sĩ cùng lúc với cha mình, người đã tham gia kì thi tới 7 lần và chỉ đạt được danh hiệu Tú tài. Biết được sự việc, vua Tự Đức đã khen ngợi hai cha con cụ với 4 chữ: “Giáo tử đăng khoa” nghĩa là "cha dạy con thi đỗ đại khoa".
Đặng Xuân Bảng được người đời kính trọng là vị quan thanh liêm, nghĩa khí, một lòng vì nước, vì dân. Thời gian về nghỉ tại quê, ông lại dồn tâm sức vào việc viết sách, dạy học, lập thư viện Hy Long “sách chứa đầy 6 gian nhà ngói”; làm tiên chỉ tư văn ở huyện và hướng dẫn nông dân khai hoang mở rộng cấy cày… Ông đã viết gần 20 cuốn sách về các lĩnh vực: lịch sử, địa lý, địa chí và văn hoá ứng xử. Tiêu biểu là các tác phẩm: “Nam phương danh vật khảo”, “Độc sử bị khảo”, “Thiên đình Việt sử”…
Kế thừa tài năng, nhân cách của ông, các thế hệ tiếp nối trong gia tộc như Đặng Xuân Thiều, Đặng Xuân Viện, Đặng Xuân Mậu, Đặng Quốc Bảo, Đặng Xuân Kỳ… đã trở thành những trí thức, nhà văn hoá, cách mạng và quân sự danh tiếng, có nhiều đóng góp cho dân tộc và đất nước.
Đặc biệt cháu nội ông là Đặng Xuân Khu (Trường Chinh - 1907-1988) đã trở thành lãnh tụ của Đảng và Nhà nước ta, từng giữ trọng trách: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.
Chủ biên và tác giả của 90 cuốn sách
Cố GS Vũ Khiêu (1916-2021) - người đã chủ biên và viết tới 90 tác phẩm về văn hóa và khoa học xã hội. Tên khai sinh của ông là Ðặng Vũ Khiêu, từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Ông đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới vào năm 2000 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội vào năm 1996.
Mang trong mình bản sắc của một gia đình có truyền thống giáo dục, GS Vũ Khiêu đã chỉ đạo và tham gia trực tiếp nhiều dự án nghiên cứu về văn hóa và khoa học xã hội. Tổng cộng, ông đã sáng tác hàng ngàn trang viết, tập trung trong 90 cuốn sách có giá trị khoa học. Mặc dù đã ở tuổi xế chiều, ông vẫn tiếp tục viết với đam mê và nhiệt huyết, không để tuổi tác làm giảm đi sự sáng tạo. Ông thực sự là một tượng đài trong lĩnh vực khoa học xã hội ở Việt Nam.
Viết về ngồi làng của mình, ông từng phụng thảo trên Văn bia tại Ðình làng mình như sau:
"Việc học hành đất dưỡng thông minh/ Đường khoa bảng trời ban tài trí
Đã nhiều tiến sĩ, cử nhân/ Lại lắm giáo sư, viện sĩ
Nay toàn cầu vào cuộc đua tranh/ Lúc nhân loại gặp thời trí tuệ
Có học thì dân trí cao thăng/ Không học thì dân sinh tồi tệ
Hãy học sao trị quốc, an dân/ Hãy học để kinh bang tế thế
Để Việt Nam bền mãi nghĩa nhân/ Để Hành Thiện sáng ngời nhân trí
Nay ghi danh ngưỡng mộ hiền tài/ Dựng bia đá tôn vinh học vị"
Mùa Xuân năm Tân Mão (2011)
Nhà dịch tễ học lỗi lạc với 95 công trình nghiên cứu đồ sộ
GS, TSKH Ðặng Ðức Trạch (1930-2004) là một trong những nhà khoa học tiên phong về vắc-xin ở Việt Nam. Năm 2006, ông đã được trao danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ Đổi mới cùng với giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2000. Với 95 công trình khoa học góp phần cho nền y học nước nhà, ông đã góp phần quan trọng trong việc phát triển và đổi mới công nghệ vắc-xin, có thể kể đến vắc-xin BCG phòng chống bệnh lao.
Ông từng giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, ông cũng là đại diện cho Việt Nam tại Hiệp hội Y học Đông Nam Á. Ông là một học trò và đồng nghiệp của cố Bộ trưởng, AHLÐ Phạm Ngọc Thạch.
Một số vắc-xin quan trọng như thương hàn, tả, uốn ván và ho gà do ông phát minh đã bảo vệ hàng triệu trẻ em trước những bệnh truyền nhiễm. Dưới sự chỉ đạo của ông, Việt Nam đã thành công trong việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh này.
Thế giới đã không khỏi ngạc nhiên trước thành tựu vắc-xin của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. GS.TSKH Ðặng Ðức Trạch không chỉ là nhà khoa học xuất sắc mà còn là một nhà lãnh đạo với tầm nhìn, đặc biệt trong việc xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm về vi khuẩn học và miễn dịch học trên toàn quốc.