ĐH 6.500 tỷ của ông Phạm Nhật Vượng mời Tiến sĩ Mỹ dạy lịch sử Việt: Không đào tạo ra các nhà sử học mà giúp các tài năng tương lai có tư duy lịch sử
Tiến sĩ Jason cho biết ông không đào tạo ra các nhà sử học, mà giúp các tài năng tương lai của VinUni có khả năng học hỏi từ quá khứ để hiểu hiện tại.
So với những ngôi trường khác, nét đặc biệt trong chương trình đào tạo của Trường ĐH VinUni là sinh viên dù theo học ngành nào, đều được học môn lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó, người dạy các sinh viên môn này là Tiến sĩ người Mỹ Jason Picard.
Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Dân Trí mới đây, chia sẻ về điểm đặc biệt trong cách dạy và học môn lịch sử của Trường ĐH VinUni, giảng viên Jason cho biết: "Tôi dạy 2 môn, Lịch sử Việt Nam cổ trung đại và Lịch sử Việt Nam hiện đại. Thoạt tiên, khi bước vào lớp, tôi nhận ra sinh viên có vẻ 'choáng' khi người dạy Lịch sử Việt Nam lại là một giảng viên Mỹ. Ban đầu các em có vẻ hơi ngại, nhưng sau đó thích lắm. Có thể do tôi mang đến cho các em một góc nhìn khác về lịch sử mà trước đó các em chưa từng được tiếp cận...
Khi học lịch sử với tôi, các em sẽ được học về văn hóa, về con người. Tôi cho sinh viên đọc rất nhiều tác phẩm văn học, để các em được nhìn thấy lịch sử trong các tác phẩm đó. Người Việt Nam vẫn tự hào vì lịch sử Việt Nam rất phong phú. Tôi nói với sinh viên lịch sử Việt Nam phong phú hơn họ nghĩ vì Việt Nam có 54 dân tộc anh em và lịch sử về mối quan hệ của 54 dân tộc này có nhiều điều rất thú vị".
Về phương pháp học tập, Tiến sĩ Jason cho rằng sinh viên không cần học thuộc mà chỉ cần đặt ra các câu hỏi, ông cũng thường xuyên tổ chức hoạt động điền dã. Ông Jason cho biết không nhất thiết phải viết bài, các sinh viên có thể làm podcast (chương trình phát thanh), dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, chụp ảnh, quay clip, phỏng vấn… Từ đó khơi gợi hứng thú học tập và sáng tạo.
Tiến sĩ Jason cho biết ông không đào tạo ra các nhà sử học, mà giúp các tài năng tương lai của VinUni (dù sau này các em làm nghề gì) có năng lực tư duy lịch sử. Đây là một năng lực sẽ được dùng đến trong tương lai, có thể áp dụng trong công việc bởi bất kỳ lĩnh vực nào, ngành nào cũng đều có lịch sử của nó. Và khi người ta có tư duy lịch sử tốt thì người ta hiểu hiện tại hơn, từ đó giải quyết tốt hơn các vấn đề hiện tại từ chính các bài học đã từng có trong lịch sử.
"Sinh viên Việt Nam khi học với tôi thì các em đã có sẵn kiến thức nền tảng rồi, cho nên việc của tôi là phải giúp các em mở rộng kiến thức ấy. Và mở rộng đến đâu, theo cách nào, tôi phải suy nghĩ. Nhưng tôi cũng có chút thuận lợi trong việc thu hút sự chú ý của sinh viên, khi mà tôi nhìn nhận về lịch sử Việt Nam với tư cách 'người ngoài'. Tôi là người ngoài cuộc, mà người ngoài cuộc nhìn lịch sử thì họ sẽ có góc nhìn khác với người bản địa", Tiến sĩ Jason chia sẻ.
Tiến sĩ Jason Picard là một người Mỹ nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam, bén duyên và gắn bó với Việt Nam từ 26 năm nay, có khả năng nói tiếng Việt "thần sầu". Ông hiện là giảng viên Viện Khoa học giáo dục và Khai phóng, Trường ĐH VinUni.