Bí ẩn khu lăng mộ cổ hàng trăm năm ở Việt Nam rộng 960m2 từng bị chôn vùi dưới lòng đất, giới chuyên môn miệt mài giải mã phương pháp xây dựng
Khu lăng mộ cổ tưởng chừng đã biến mất sau trận lũ lịch sử.
Ảnh: Dân việt
Lăng đá Quận Vân (Thường Tín, Hà Nội) là nơi yên nghỉ của Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm, thời nhà Lê Trung Hưng (1533 - 1789). Lăng mộ từng bị chôn vùi dưới lòng đất sau trận lũ lịch sử.
Công trình độc đáo
Giữa cánh đồng thuộc thôn Nỏ Bạn, (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) tồn tại một quần thể di tích mộ đá đẹp và quy mô bề thế. Đó là Lăng đá Quận Vân, nơi yên nghỉ của Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm, thời Lê Trung Hưng (1533 - 1789).
Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm quê gốc ở làng Vân La, nay là xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), vì thế, nhân dân quen gọi là Quận Vân. Năm 1733, thấy thế đất ở Nỏ Bạn đẹp, ông liền cho người chở đá khối từ Đông Triều (Quảng Ninh) về để xây lăng mộ. Tuy vậy, khi công trình đang xây dựng dở dang, Quận công bị buộc tội có mưu đồ làm phản nên bị đày ra Quảng Ninh rồi mất tại đây.
Toàn bộ khu lăng rộng khoảng 960m2 được chia làm 3 phần: cổng lăng, khu sinh phần, nhà mộ. Đáng chú ý ở lăng mộ đá này, chính là những linh vật được người xưa tạo tác. Mộ phần Quận Vân - nhân vật chính của lăng mộ đá cổ nằm ở phía trên cùng sau nhà văn bia. Nhà mộ hình mui rùa nhưng có chóp đỉnh và hình bốn mái. Phần thân mộ nằm chìm dưới lòng đất, đã từng được khai quật. Nhà bia có 4 cột ở 4 góc là trụ đỡ cho mái vòm đá cong. Mỗi đường điêu khắc còn hiện rõ rệt, không một nét mờ. Bên trong nhà bia có một tấm bia cỡ lớn, được dựng tháng 11-1733 (Long Đức thứ 2). Mặt trước, phần trái bia có dòng chữ lớn “Đỗ phụ quốc thần Từ đường bi ký”, ghi lại công đức ba đời của Quận công Đỗ Bá Phẩm.
Ảnh: Dân việt
Đôi nghê trước cửa nhà bia với miệng ngậm châu ngọc, đầu và cổ được chạm khắc hình vân xoắn. Hình dáng nghê ở lăng Quận Vân là đặc trưng cho nghê của Việt Nam. Con bên trái đặt chân lên quả cầu, con bên phải đặt chân lên nghê con.
Chiếc ngai bằng đá được đặt ở giữa lăng mộ có hình một chiếc ghế đá có tay đầu rồng. Trước ngai là bệ hương và phía dưới là sập thờ cũng hoàn toàn làm từ đá rất tinh xảo.
Ảnh: Dân việt
Những dấu mốc lịch sử để lại cho thấy lăng mộ này đã từng bị chôn vùi do vỡ đê trong trận lũ lịch sử vào năm 1914. Tuy nhiên, có thêm những thông tin khác cho rằng, lăng Quận Vân không phải bị vùi lấp năm 1914 mà từ xưa hơn rất nhiều.
Khoảng 270 năm về trước, đê Sâm Thụy bị vỡ, tất cả làng mạc bị vùi lấp dưới lớp bùn. Trong đó, có cả lăng mộ đá Quận Vân. Nếu đó là sự thật thì lăng đá đã bị lãng quên 270 năm.
Đến những năm 1980, một cuộc khai quật khảo cổ với quy mô lớn được hoàn thành thì lăng mộ đá với quy mô lớn hiện ra trước sự ngỡ ngàng của người dân trong vùng. Theo thông tin lịch sử, đá để xây dựng khu lăng được lấy về từ Đông Triều (Quảng Ninh).
Giới chuyên môn sau này vẫn tiếp tục tìm hiểu việc, bằng cách gì những khối đá nặng hàng chục tấn được vận chuyển về đây với phương tiện thô sơ giai đoạn đầu thế kỷ 18.
Từ lăng mộ bị chôn vùi thành di tích quốc gia
Năm 2003, lăng đá Quận Vân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài trước đó, lăng chỉ là phế tích bị lãng quên.
Vài năm gần đây, xã Vân Tảo mới có kinh phí để bảo tồn lăng và chi trả cho người trông coi di tích 200 nghìn đồng/tháng. Hiện nay, lăng đá Quận Vân đã có nhiều chuyển biến tích cực, cỏ dại được dọn dẹp thường xuyên, đồ thờ tự được người dân cung tiến đầy đủ.
Lăng đá Quận Vân là di tích kiến trúc bằng đá độc đáo, có quy mô đồ sộ nhất nhì cả nước. Năm 2019, huyện và thành phố đã tiến hành tôn tạo, bảo tồn di tích, đưa nơi đây trở thành một trong những điểm đến trong hành trình tham quan. Bên cạnh đó, huyện cũng đưa điểm di tích này vào chương trình giáo dục lịch sử của địa phương, phổ biến trong các bài giảng và các tiết học ngoại khóa để học sinh tham quan, tìm hiểu. Đó là cách dạy lịch sử dễ hiểu, thiết thực, đồng thời để học sinh và người dân thêm hiểu và tôn kính Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm, người từng có nhiều công trạng với đất nước.