Cây cầu dây văng lớn nhất TP. HCM, mở cơ hội kết nối tới khu đô thị lấn biển của Vingroup sẽ khởi công trong năm nay
Đây sẽ là cây cầu dây văng lớn nhất TP. HCM với biểu tượng hình cây Đước, tổng chiều dài 7,3km, trong đó phần cầu dài gần 3km, đường dẫn dài hơn 4,3km.
Tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ nhằm thay thế phà Bình Khánh hiện hữu, đồng thời giao Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) rà soát, bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển giao thông TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Sau đó, UBND TP. HCM đã trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư cầu Cần Giờ tại kỳ họp giữa năm 2024. Chủ tịch UBND TP. HCM cũng yêu cầu các đơn vị liên quan vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội để đẩy nhanh thủ tục triển khai dự án.

Đến tháng 3/2025, Sở Giao thông Công chính TP. HCM cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, dù đã được trình Hội đồng thẩm định thành phố từ tháng 12/2023, vẫn chưa thể trình HĐND thông qua do vướng quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 chưa được phê duyệt.
Sở khẳng định, sau khi quy hoạch này chính thức được thông qua, hồ sơ sẽ được hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2025.
>> Công viên quy mô 65ha tọa lạc tại khu đô thị cao cấp Hà Nội đang dần lộ diện
Theo đó, TP. HCM đặt mục tiêu khởi công cầu Cần Giờ trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.
Được biết, theo thiết kế, đây sẽ là cây cầu dây văng lớn nhất TP. HCM với biểu tượng hình cây Đước, tổng chiều dài 7,3km, trong đó phần cầu dài gần 3km, đường dẫn dài hơn 4,3km.
Cầu có quy mô 6 làn xe, tốc độ thiết kế 60km/h, tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây lắp, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ngoài cầu chính, dự án còn bao gồm ba cầu phụ trên tuyến: cầu Sông Chà (dài 640,5m, rộng 29,5m), cầu Tắc Sông Chà (dài 64,2m, rộng 40m), và cầu Rạch Mương Ngang (trên đường song hành phía Nhà Bè, dài 64,2m, rộng 7,75m).
Hướng tuyến dự kiến bắt đầu từ đường 15B (huyện Nhà Bè), cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía Bắc, băng qua đường Nguyễn Bình và vượt sông Soài Rạp. Khi sang địa phận huyện Cần Giờ, cầu sẽ nối với đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh hiện hữu khoảng 2,1km về phía Nam.
Tổng diện tích đất thu hồi để giải phóng mặt bằng khoảng 35,93ha, gồm 7,35ha thuộc huyện Nhà Bè và 28,58ha thuộc huyện Cần Giờ. Toàn tuyến sẽ được giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang hoàn chỉnh 40m.
Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), trong đó vốn nhà nước khoảng 3.018 tỷ đồng (chiếm 36,18%), phần còn lại do nhà đầu tư huy động.
Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ sẽ thay thế hoàn toàn phà Bình Khánh, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm TP. HCM đến huyện Cần Giờ từ gần 2 giờ xuống chỉ còn 30-45 phút, đồng thời mở ra cơ hội kết nối thuận lợi đến Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai.
Ngày 19/4, Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) sẽ tổ chức lễ khởi công Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ).
Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ là một trong những công trình chiến lược đã được ấp ủ nhiều năm. Đầu năm 2024, dự án chính thức được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Trước đó, vào tháng 6/2020, UBND TP. HCM đã ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, nâng quy mô từ 600ha lên 2.870ha.
KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ được chia thành 4 phân khu A, B, C và D-E, quy mô dân số gần 230.000 người, có khả năng đón 8-9 triệu lượt du khách mỗi năm.
Vinhomes Cần Giờ là KĐT lớn nhất khu vực phía Nam tính đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt, với mục tiêu phát triển đô thị sử dụng năng lượng tái tạo phân loại, Vingroup sẽ đầu tư phát triển hệ thống điện gió cách bờ 10km để cung cấp nguồn điện lớn cho siêu đô thị này.
>> Becamex IDC sắp khởi công hai khu công nghiệp gần 9.000 tỷ đồng tại tỉnh giàu nhất Việt Nam