Doanh nghiệp

Bị đối thủ mạnh dồn ép ngay chính sân nhà, hãng bia 60 năm nức tiếng Hà thành Habeco đang ấp ủ kế hoạch gì?

Yên Hoàng 26/08/2023 15:28

Habeco (BHN) đang chịu nhiều sức ép từ các đối thủ cạnh tranh như Sabeco và Heineken trong chính phân khúc phổ thông mà mình đang chú trọng.

Ngược dòng thời gian về năm 1890, người Pháp đã xây dựng Nhà máy Bia tên gọi là Hommel tại phố Hoàng Hoa Thám, đây là tiền thân của HABECO - Bia Hà Nội sau này. Sản lượng bia khi đó đạt khoảng 150 lít/ngày và bia phục vụ chủ yếu cho quân viễn chinh Pháp, với hơn 30 nhân công. Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Chính phủ có chủ trương khôi phục lại Nhà máy Bia Hommel.

Habeco (BHN) - hành trình 60 năm từ mẻ bia Trúc Bạch đầu tiên đến thương hiệu bia Việt nức tiếng

Ngày 15/8/1957, Ban khôi phục Nhà máy được thành lập, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với sự giúp đỡ của 02 chuyên gia Tiệp Khắc, các CBCNV trong Ban khôi phục đã hoàn thành 132 hạng mục trong 6 khu sản xuất và đưa Nhà máy hoạt động trở lại, cũng từ đó nhà máy được đổi tên thành Nhà máy Bia Hà Nội.

Ngày 1/5/1958, mẻ bia nấu thử đầu tiên do ông Vũ Văn Bộc - một công nhân có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm của Nhà máy Bia Hommel trước đây, đã thực hiện thành công.

Habeco (BHN) - hành trình 60 năm từ mẻ bia Trúc Bạch đầu tiên đến thương hiệu bia Việt nức tiếng

Ngày 15/8/1958, trong không khí cả nước sôi nổi chào mừng mười ba năm Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bốn năm Thủ đô hoàn toàn giải phóng, Nhà máy Bia Hà Nội cho ra đời chai bia Việt Nam đầu tiên mang nhãn hiệu Trúc Bạch.

Năm 1993, Nhà máy Bia Hà Nội đổi tên thành Công ty Bia Hà Nội, từ đó đầu tư các trang thiết bị mới thay thế các thiết bị cũ, nâng công suất lên 50 triệu lít/năm (năm 1995) rồi 100 triệu lít/năm (năm 2004). Nhờ đó, Bia Hà Nội đã ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường, phát triển thị phần, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Phát triển thương hiệu, nâng tầm cao mới

Ngày 6 tháng 5 năm 2003, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có Quyết định số 75/2003/QĐ-BCN thành lập Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (viết tắt là HABECO) trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bia Hà Nội và chuyển các đơn vị Công ty Rượu Hà Nội, Công ty Bia Thanh Hoá, Công ty Thuỷ tinh Hải Phòng, Công ty Thương mại Dịch vụ Bia – Rượu – Nước giải khát và Viện Nghiên cứu Rượu – Bia – NGK thành các đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty. Đây là bước ngoặt quan trọng để Bia Hà Nội khẳng định vị thế của mình trong giai đoạn hội nhập. Với thế và lực mới, HABECO đã có bước phát triển nhanh chóng.

Từ ngày 16/6/2008, Tổng công ty chính thức chuyển đổi mô hình sang Tổng Công ty Cổ phần, lấy tên là Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO - mã chứng khoán BHN). Đây là bước ngoặt quan trọng để Bia Hà Nội khẳng định vị thế của mình trong giai đoạn hội nhập.

Năm 2010, với việc hoàn thành dự án đầu tư xây dựng Nhà máy bia công suất 200 triệu lít bia/năm tại Mê Linh, Hà Nội, đã đưa Tổng Công ty đạt công suất gần 400 triệu lít bia/năm. HABECO trở thành một trong hai Tổng Công ty sản xuất bia lớn nhất của Việt Nam. Nhà máy Bia Hà Nội – Mê Linh ra đời với hệ thống thiết bị đồng bộ hiện đại bậc nhất Đông Nam Á đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Habeco (BHN) - hành trình 60 năm từ mẻ bia Trúc Bạch đầu tiên đến thương hiệu bia Việt nức tiếng

Năm 2013, Tổng công ty đầu tư thêm dây chuyền chiết nước tinh lọc đánh dấu 55 năm xây dựng và phát triển HABECO.

Năm 2014, Khởi công dự án dây chuyền chiết lon 60.000lon/giờ tại Mê Linh, được hoàn thành vào năm 2015. Cũng trong năm 2015, Tổng công ty đã tiến hành xây dựng mới Viện Kỹ thuật Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội tại Nhà máy Bia Hà Nội – Mê Linh và chính thức đi vào hoạt động năm 2016. Đầu tư xây dựng hệ thống Pilot Plant phục vụ công tác nghiên cứu sản phẩm mới.

Năm 2017, xây dựng Nhà máy Bia Hà Nội – Hoàng Hoa Thám.

Năm 2018, dấu mốc 60 năm truyền thống HABECO, ra mắt nhận diện mới thương hiệu Bia Trúc Bạch.

Tháng 5/2019, HABECO chính thức ra mắt nhận diện mới thương hiệu với slogan “Sức bật Việt Nam”, đánh dấu mốc chuyển mình của thương hiệu trong bối cảnh mới, hội nhập và phát triển.

Giai đoạn 2020 – 2021, đất nước trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn bởi đại dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân cũng như nền kinh tế, xã hội của đất nước. Ngành đồ uống nói chung và HABECO nói riêng chịu tác động nặng nề khi mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh đều phải giảm năng suất để tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngành nghề lĩnh vực đã phục hồi và phát triển, ghi nhận những tín hiệu tích cực. Song ngành đồ uống nói chung và HABECO nói riêng vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách với những biến động trong khu vực và trên thế giới.

Về tình hình kinh doanh, trong năm 2022, Habeco đã chi rất đậm cho truyền thông, quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ lên tới 700 tỷ đồng, cao hơn 79% so với năm 2021. Con số này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí bán hàng (chiếm 54%). Tổng chi phí bán hàng trong năm ngoái của Habeco là 1.289 tỷ đồng.

Kết quả, doanh thu thuần năm 2022 của Habeco đạt 8.398 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2021. Lãi trước thuế ghi nhận tăng mạnh 54% lên 632 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 503 tỷ đồng (tăng 55%).

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu Habeco đạt 3.333 tỷ đồng, giảm 5,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 22,6% ghi nhận ở mức gần 185 tỷ đồng.

Habeco (BHN) - hành trình 60 năm từ mẻ bia Trúc Bạch đầu tiên đến thương hiệu bia Việt nức tiếng

Về nguyên nhân kết quả kinh doanh sụt giảm, Habeco cho biết, sự sụt giảm về doanh thu bán hàng ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn cũng như thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đang có xu hướng giảm. Đồng thời, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận sau thuế âm gần 4 tỷ đồng trong quý 1/2023, nên mặc dù quý 2 đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ song tính chung 6 tháng đầu năm thì lợi nhuận vẫn có sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, Habeco cũng chịu nhiều sức ép từ các đối thủ cạnh tranh như Sabeco và Heineken khi hai doanh nghiệp này đang chú trọng vào các chương trình thúc đẩy bán hàng đối với các sản phẩm phổ thông – phân khúc thị trường chính của Habeco.

Năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính 7.367 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 221 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và giảm 57% so với thực hiện năm 2022. Như vậy kết thúc nửa đầu năm 2023, Habeco đã hoàn thành 45% mục tiêu về doanh thu và 83% kế hoạch lợi nhuận.

Về quy mô tài sản, kết thúc quý 2/2023, tổng tài sản của Habeco đạt hơn 7.282 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu tài sản của công ty, tài sản ngắn hạn chiếm 69,4% tổng tài sản. Trong đó, công ty có gần 3.621 tỷ tiền các loại, phần còn lại là hàng tồn kho và khoản phải thu.

Tương tự, trong tài sản dài hạn của công ty cũng chủ yếu là tài sản cố định, bao gồm giá trị nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, ... phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện tại, Nhà nước (Bộ Công thương) vẫn đang nắm phần lớn cổ phần tại Habeco với tỷ lệ nắm giữ 81,79% (tương ứng 189,6 triệu cp). Vốn góp của Carlsberg Breweries A/S là 17,34% (tương ứng 40,2 triệu cp); phần còn lại là các cổ đông nhỏ.

Bia Hà Nội (Habeco) chuẩn bị nộp phạt khoản tiền 'khủng' lên tới 20 tỷ

Chủ thương hiệu Bia Hà Nội lãi xa kế hoạch, gần 4.000 tỷ đồng gửi két ngân hàng

Tung loạt khuyến mại dịp Tết, thị trường bia vẫn gặp khó do người tiêu dùng ngó lơ?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/habeco-bhn-hanh-trinh-60-nam-tu-me-bia-truc-bach-dau-tien-den-thuong-hieu-bia-viet-nuc-tieng-197791.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bị đối thủ mạnh dồn ép ngay chính sân nhà, hãng bia 60 năm nức tiếng Hà thành Habeco đang ấp ủ kế hoạch gì?
POWERED BY ONECMS & INTECH