Bí thư Bình Định: Có dự án chỉ vướng 1 cái nhà nhưng 5 năm không giải phóng xong
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng các dự án thực hiện chậm tiến độ vướng nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Có dự án chỉ vướng 1 cái nhà nhưng 5 năm không không ai giải phóng.
Ngày 10/11, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Định khoá XIII, nhiệm kỳ 2021-2023 tổ chức kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề).
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Bình Định xem xét các tờ trình của UBND tỉnh, quyết nghị thông qua các nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư về kéo dài thời gian thực hiện 5 dự án nhóm B.
5 dự án nhóm B cần điều chỉnh, bổ sung gồm: Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc khu Nhà ở xã hội Nhơn Bình (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Long Vân (khu A2, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn), hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Đông chợ Dinh mới (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), hỗ trợ đầu tư xây dựng tuyến đường thay thế tuyến đường Trần Phú, thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn (nay là phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn), dự án Khu vực 1, Khu dân cư dọc Quốc lộ 19 mới (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước).
Các dự án nói trên có thời gian thực hiện đến năm 2023 là kết thúc. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai bị vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc điều chỉnh kỹ thuật để phù hợp với thực địa không thể triển khai hoàn thành trong năm 2023.
Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Đông chợ Dinh mới, bị vướng mặt bằng bởi tình trạng xây dựng nhà trái phép.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định Lê Hoàng Nghi, trên phạm vi mặt bằng của dự án có tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp (đất lúa, màu, vườn…). Khi lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng thì các công trình xây dựng trái phép này không được bồi thường, bố trí tái định cư.
Điều này dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài và người dân không nhận tiền bồi thường, giao trả mặt bằng để thi công. Vì vậy, phải tiến hành cưỡng chế thu hồi đất, nên mất nhiều thời gian để thực hiện...
Theo UBND tỉnh Bình Định, những dự án này cần phải điều chỉnh thời gian thực hiện để đảm bảo đủ thời gian thực hiện hoàn thành quyết toán dự án và bàn giao công trình theo quy định.
Rà soát lại năng lực của chủ đầu tư
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, các dự án thực hiện chậm tiến độ vướng nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, các địa phương phải có trách nhiệm, vào cuộc giải quyết công tác giải phóng mặt bằng...
“Những dự án này thuộc trách nhiệm ở địa phương hết. Có dự án chỉ vướng 1 cái nhà nhưng 5 năm không ai giải phóng. Trách nhiệm ở đâu, sao không ai làm việc đó?", Bí thư Hồ Quốc Dũng đặt vấn đề.
Ông đề nghị kéo dài một năm, nếu hết năm 2024 mà không xong thì các địa phương phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, rà soát lại năng lực của chủ đầu tư. Những chủ đầu tư nào năng lực hạn chế thì giảm, không giao nhiệm vụ nữa. Chủ đầu tư nào để việc chậm chạp, không hiệu quả, quản lý không chặt chẽ thì phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, cũng kiểm tra lại năng lực của nhà thầu. Những công trình nào không có lý do chính đáng mà chủ đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền ký gia hạn, dứt khoát phải chịu trách nhiệm.
Những trường hợp đã làm chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng thì xử phạt, cấm không cho tham gia dự án trên địa bàn tỉnh.