Bị tước giấy phép kinh doanh, Saigon Petro gửi văn bản khẩn "cầu cứu" Chính phủ

06-09-2022 11:27|Thanh Huyền

Trong văn bản này, Saigon Petro đã liệt kê hàng loạt hậu quả khi Bộ Công thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của công ty.

Chiều ngày 5/9/2022, Bộ Công Thương đã quyết định xử phạt hành chính và tước giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp xăng dầu phía Nam do có vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu gồm: CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, CTCP Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, CTCP Dầu khí Đông Phương. Hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh.

Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được Bộ Công Thương công bố chính thức trên trang Công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu của Bộ. Điều này khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoang mang việc tiếp tục tước giấy phép sẽ làm ảnh hưởng tới cung - cầu thị trường.

Cùng ngày, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đã có văn bản khẩn số 1195 do Tổng Giám đốc Phạm Văn Thoại gửi đến Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến việc bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

Báo cáo về tình hình kinh doanh xăng dầu của Công ty, Saigon Petro cho biết, năm 2021, hệ thống phân phối của Saigon Petro có hơn 10 cửa hàng sở hữu và đồng sở hữu. Một công ty cổ phần do Saigon Petro sở hữu 40% vốn điều lệ có 32 cửa hàng trực thuộc. Ngoài ra, Saigon Petro có 73 thương nhân nhận quyền bán lẻ; 47 thương nhân phân phối và không có tổng đại lý, đại lý.

Saigon Petro cho biết, nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu tối thiểu "10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân".

Vì vậy, doanh nghiệp này lý giải hai hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối...

Trong văn bản này, Saigon Petro cũng liệt kê ra hàng loạt hậu quả khi Bộ Công thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của công ty.

Cụ thể, hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m³/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa.

Theo Saigon Petro, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp.

Bên cạnh đó, công ty sẽ bị phạt hợp đồng với Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn, chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong tháng 9 với số lượng hợp đồng 40.000m³ xăng dầu.

Ngoài ra, công ty cũng sẽ bị phạt hợp đồng nhập khẩu đối với khách hàng nước ngoài đã ký hợp đồng giao hàng trong tháng 9 và đồng thời hàng đã và đang trên đường về cảng Cát Lái.

Do đó, Saigon Petro kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để công ty không bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường và bảo tồn vốn.

Tính đến nay, đã có khoảng 12 doanh nghiệp bị rút giấy phép kinh doanh có thời hạn sau đợt thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối của Bộ Công Thương. Hiện có 5 doanh nghiệp đã được trả giấy phép sau khi hết thời hạn xử phạt, 2 doanh nghiệp khác sẽ được hoàn trả giấy phép vào ngày 14/9.

Bộ Công Thương xử phạt hành chính, tước giấy phép thêm 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Giá gas bật tăng sau 2 lần giảm

Thêm nhiều cây xăng khan hàng, bán cầm chừng cho khách

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bi-tuoc-giay-phep-kinh-doanh-saigon-petro-gui-van-ban-khan-cau-cuu-chinh-phu-147337.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bị tước giấy phép kinh doanh, Saigon Petro gửi văn bản khẩn "cầu cứu" Chính phủ
    POWERED BY ONECMS & INTECH