Bia Hà Nội (Habeco): Nỗi buồn của những chai thủy tinh nửa lít

30-01-2024 12:46|Quốc Trung

Từng giữ vị thế số 1 về thị phần bia rượu nước giải khát tại Việt Nam, sự suy yếu của Habeco (BHN) khiến những chai bia thủy tinh nửa lít dần trở thành ký ức của một thế hệ người lớn tuổi.

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (Mã BHN - HoSE) công bố kết quả kinh doanh kết quả kinh doanh quý IV/2023 với doanh thu 2.246 tỷ đồng và lãi sau thuế 64 tỷ.

Theo ghi nhận, doanh thu kỳ này dù giảm nhẹ song nhờ khoản thu tài chính tăng cũng như việc tiết giảm gần chi phí hoạt động giúp lợi nhuận giữ lại tăng gần 24% so với cùng kỳ.

Lũy kế năm 2023, Habeco ghi nhận doanh thu giảm khoảng 650 tỷ đồng còn 7.757 tỷ - vượt nhẹ kế hoạch cả năm.

Trong bối cảnh giá vốn bán hàng tăng, chi phí hoạt động dù giảm không đủ bù đắp cho việc giảm mạnh lợi nhuận gộp dẫn tới BHN báo lãi sau thuế giảm 30% YoY còn 355 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo cho biết nguyên nhân đến từ việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm. Ngoài ra, doanh thu đi lùi còn do xu hướng tiêu dùng của người dân giảm trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều biến động và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường bia.

Năm vừa qua, Habeco không chịu nhiều áp lực chi phí tài chính khi nợ phải trả chỉ hơn 1.800 tỷ đồng - chiếm 25,6% tổng nguồn vốn (bao gồm 117 tỷ đồng nợ vay).

Tuy nhiên, chi phí vận hành vẫn là gánh nặng, bào mòn lợi nhuận của công ty. Thậm chí, xét trong giai đoạn từ 2013 tới nay, lãi sau thuế năm 2023 của Habeco gần như về đáy (chỉ nhỉnh hơn mức 324 tỷ đồng của năm 2021).

Bia Hà Nội (Habeco): Nỗi buồn của những chai thủy tinh nửa lít

Năm qua, biên lãi ròng của BHN giảm còn 4,58%. Nếu không tính khoản doanh thu tài chính hơn 228 tỷ đồng (phần lớn là lãi tiền gửi và cho vay), con số này thậm chí còn thấp hơn nữa.

Trong cơ cấu chi phí hoạt động của Habeco, chi phí bán hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Năm 2023, công ty chi tới 1.200 tỷ đồng. Phân nửa số này là các khoản dùng cho chi phí quảng cáo, khuyến mại (trung bình 1,59 tỷ đồng/ngày).

Rộng hơn, 6 năm gần nhất, hơn 7.300 tỷ đồng đã được ông lớn ngành bia phía Bắc chi ra cho các hoạt động bán hàng (trung bình 3,35 tỷ đồng/ngày).

Đáng buồn ở chỗ, việc tăng/giảm chi phí không hỗ trợ cho sự cải thiện kết quả kinh doanh cả năm trong bối cảnh Habeco đang ngày càng thu hẹp thị phần trước sự cạnh tranh của các đối thủ như Heineken, Sabeco (mã SAB)... Theo đó, cả Heineken, Sabeco đều chú trọng vào các chương trình thúc đẩy bán hàng đối với các sản phẩm phổ thông – phân khúc thị trường chính của Habeco.

>> Habeco (BHN): Tiếp thị kém hay đối thủ quá cao tay?

Bia Hà Nội (Habeco): Nỗi buồn của những chai thủy tinh nửa lít

Tại ĐHCĐ thường niên 2023, Habeco đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 14% và 56% so với thực hiện trong năm trước đó. Mức chỉ tiêu lợi nhuận chỉ bằng 1/26 lần kế hoạch được đối thủ Sabeco đề ra.

Trước đó năm 2022, doanh thu của SAB cũng gấp 4,13 lần BHN trong khi lợi nhuận sau thuế gấp 10,93 lần.

Từng giữ vị thế số 1 về thị phần bia rượu nước giải khát tại Việt Nam, đến năm 2021, thị phần của BHN chỉ còn 7,4%. Sự suy yếu của hãng bia hơn 60 năm tuổi tại Hà Thành khiến những chai thủy tinh nửa lít dần chìm vào ký ức của một thế hệ người lớn tuổi.

>> Sabeco (SAB): Mỗi ngày "đốt" 13,4 tỷ cho chi phí quảng cáo - khuyến mãi, hiệu quả vẫn biệt tăm

Kết quả kinh doanh quý IV/2023: Hơn 130 doanh nghiệp báo lỗ

Sau mùa hè rực lửa, hai ông lớn ngành bia Habeco (BHN) và Sabeco (SAB) kinh doanh ra sao?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bia-ha-noi-habeco-noi-buon-cua-nhung-chai-thuy-tinh-nua-lit-221779.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bia Hà Nội (Habeco): Nỗi buồn của những chai thủy tinh nửa lít
POWERED BY ONECMS & INTECH