BIDV (BID) có 27.900 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn, cao nhất toàn hệ thống
Tổng nợ xấu của BIDV (BID) tính đến hết quý I/2025 lên đến 39.900 tỷ đồng, tăng đột biến 37% so với thời điểm đầu năm.
Đến thời điểm hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý I/2025. Ngành ngân hàng tiếp tục thu hút sự chú ý, không chỉ nhờ lợi nhuận lớn mà còn bởi những chỉ số chất lượng tài sản, biến động nhân sự và nợ xấu.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã chứng khoán BID) gây chú ý khi dẫn đầu hệ thống ở tiêu chí không mấy tích cực: Nợ xấu khả năng mất vốn.
Hơn 27.900 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn
Tính đến cuối quý I/2025, tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm gần 65% tổng dư nợ.
Chất lượng tín dụng của ngân hàng đang có dấu hiệu xấu đi khi tổng nợ xấu (nhóm 3, 4, 5) tăng 37%, lên hơn 39.900 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,41% hồi đầu năm lên 1,89%.
Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) ghi nhận mức tăng mạnh:
- Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3): 6.961 tỷ đồng, tăng 90% so với đầu kỳ.
- Nợ nghi ngờ (nhóm 4): 5.012 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu kỳ.
- Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5): 27.934 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu kỳ.
Đáng chú ý, nợ nhóm 5 chiếm phần lớn trong tổng cơ cấu nợ xấu và có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. BIDV tiếp tục giữ vị trí ngân hàng có số dư nợ xấu khả năng mất vốn cao nhất toàn hệ thống.
Mặc dù nợ xấu tăng mạnh, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý I/2025 chỉ tăng nhẹ khoảng 4,3%, đạt 4.578 tỷ đồng. Việc trích lập dự phòng tăng chậm hơn tốc độ tăng nợ xấu là điểm mà giới phân tích tài chính đang đặc biệt quan tâm.
![]() |
Nợ xấu khả năng mất vốn của BIDV tăng mạnh |
>> VietinBank (CTG) có hơn 16.000 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn
Lợi nhuận quý I đi ngang
Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2025, BIDV ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5.955 tỷ đồng, gần như đi ngang so với mức 5.915 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận không tăng trưởng mạnh, dù thu nhập lãi thuần có cải thiện, là do một số mảng kinh doanh ghi nhận sự sụt giảm.
Chi tiết kết quả các mảng hoạt động:
- Thu nhập lãi thuần đạt 13.945 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.
- Lãi từ bán chứng khoán kinh doanh đạt 214 tỷ đồng, tăng 28,3%.
- Lãi từ hoạt động khác đạt 1.216 tỷ đồng, tăng mạnh 143%.
- Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.538 tỷ đồng, giảm 9,2%.
- Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 863 tỷ đồng, giảm mạnh 41%.
Mặc dù thu nhập lãi thuần và một số mảng khác như chứng khoán kinh doanh, hoạt động khác có tăng trưởng, nhưng sự suy giảm mạnh trong mảng kinh doanh ngoại hối và dịch vụ đã kéo tổng lợi nhuận đi ngang trong quý I/2025.
![]() |
Kết quả kinh doanh của BIDV |
>> Sacombank (STB) có hơn 9.900 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn
Quý I vừa qua, tổng chi phí hoạt động của BIDV đã hơn 5.900 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó riêng các chi phí cho nhân viên tăng gần 200 tỷ đồng, lên 3.274 tỷ đồng. BIDV cũng là ngân hàng ngược chiều tuyển dụng thêm 354 nhân viên trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp quyết tâm tinh giản nhân sự. Tính đến hết quý I/2025, BIDV có 29.352 nhân viên.
Trên thị trường chứng khoán, BIDV là một trong những cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản lớn, với hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Hiện cổ phiếu BID đang giao dịch quanh mức 34.950 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa thị trường đạt xấp xỉ 245.400 tỷ đồng.