Điểm đến

Biệt thự trăm năm tuổi của đại gia Bát Tràng: Xây cùng thời với cầu Long Biên, bên trong cất giữ nhiều cổ vật giá trị

Quỳnh Như 17/10/2023 11:56

Đã trải qua hơn 120 năm tuổi nhưng ngôi biệt thự Tây giữa lòng làng cổ Bát Tràng (Hà Nội) vẫn giữ được nét cổ kính.

Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là địa danh nổi tiếng về nghề gốm truyền thống. Nơi đây còn tồn tại 23 ngôi nhà cổ đang được địa phương phê duyệt đưa vào danh sách cần bảo tồn. Trong số đó phải kể đến biệt thự Pháp có tuổi đời hơn 120 năm của gia đình ông Lê Hồng Đức (sinh năm 1940) và bà Nguyễn Thị Lâm (sinh năm 1946). Người dân làng cổ Bát Tràng gọi ngôi biệt thự ấy là “nhà Tây” và xem nó là một trong những tài sản vô giá của cả làng.

Người xây dựng căn biệt thự là cụ Lê Văn Bưu - thường gọi là Lý Bá. Ông Đức là cháu nội cụ Lý Bá. "Do nhiều năm trôi qua, các cụ nhà tôi không thể nhớ chính xác năm thi công. Mọi người chỉ nhớ căn biệt thự được khởi công cùng thời điểm xây dựng cây cầu Long Biên. Dòng tộc nhà tôi có nghề làm gốm, sự giàu có của gia đình cũng nhờ vào nghề truyền thống này", ông Đức kể lại.

x606tuak.png
Cụ Lê Quang Bưu (thường gọi là Lý Bá) đã xây nên ngôi biệt thự này.

Người con trai trưởng của cụ Lý khi ấy là chàng công tử hào hoa, thường lui tới các làng tây ở Hà Nội (Bát Tràng khi ấy thuộc tổng Đông Dư, tỉnh Bắc Ninh) rồi mê luôn những ngôi nhà tầng có nhiều cửa sổ với kiến trúc cổ kính. Chiều con, cụ Lý liền kén những người thợ giỏi nhất vùng, những thanh niên về làm nhà theo mẫu mà người con trai cả đưa.

Ngày ấy, việc gia đình cụ Lý Bá xây ngôi nhà tầng đầu tiên theo kiến trúc Pháp đã trở thành sự kiện bàn tán của nhiều người dân trong làng. Vật liệu xây dựng quan trọng để có thể làm được biệt thự tầng là thép không có nên cụ Lý phải cất công đặt hàng từ tận bên Pháp đưa về.

24ul9pms.png
Bên trong khuôn viên ngôi nhà trăm năm tuổi.

"Ông nội tôi là người đưa ra ý tưởng xây biệt thự nhưng bác cả tôi mới là người đứng ra thuê kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Bao quanh biệt thự là hệ thống tường rào cao hơn 4m và trạm gác. Thời điểm hưng thịnh, lúc nào trạm gác cũng có người canh cẩn mật. Khách đến nhà phải đi qua một lớp cửa gỗ cài then sắt, một lớp cửa sắt dày và một trạm gác rồi mới vào đến sân nhà", ông Đức tiết lộ.

biet-thu-phap-co-1.jpg
Căn biệt thự có nhiều nét giao thoa văn hóa giữa kiến trúc Pháp với kiến trúc Việt.

Tổng khuôn viên biệt thự có diện tích 500m2, trong đó mặt bằng ngôi nhà là 50m2, hai tầng bề thế, nhiều cửa sổ. Tường gạch xây dầy dặn, vững chắc nhờ lớp vôi, mật và muối, lại có lỗ thông hơi hợp lý nên trong các phòng luôn mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Mái lợp bằng ngói Bát Tràng, qua cả thế kỷ mà vẫn đỏ bóng, không bị rêu bám hay xô lệch.

Sau hàng năm trời làm kỳ công, những người thợ cần mẫn cũng đã hoàn thành xong ngôi biệt thự 2 tầng khang trang. Biệt thự xây dựa theo kiểu Pháp nhưng lại được kết hợp với kiến trúc Việt. Phần lớn các nguyên liệu để xây tường lát nền, lợp mái đều do những người thợ Việt sản xuất ra từ chính những xưởng gốm ở làng gốm cổ truyền Bát Tràng.

biet-thu-phap-co.jpg
Lan can hoa bằng sắt được đặt nguyên chiếc từ Pháp.

Nền nhà lát bằng thứ gạch men được nung 7 lửa. Tường gạch xây dầy dặn, vững chắc nhờ lớp vôi, mật và muối thay vì sử dụng xi măng như bây giờ. Mái lợp bằng ngói Bát Tràng, qua cả thế kỷ mà vẫn đỏ bóng, không bị rêu bám hay xô lệch. Trong phòng khách, chạy trên tầng là những hàng sứ tròn mang ý nghĩa tượng trưng cho những giọt nước Phúc - Đức - Tài - Lộc mà tổ tiên truyền lại cho con cháu. Hoa văn trên trần cũng được kẻ vẽ, sơn màu cầu kỳ.

Hiện vợ chồng ông Đức vẫn còn lưu giữ nhiều đồ gỗ cổ có giá trị. Trong đó phải kể đến chiếc sập gỗ gụ, điêu khắc tinh xảo, mùa hè nằm có cảm giác mát mẻ, dễ chịu; bộ bàn uống nước đẹp mắt bằng gỗ quý, khảm ốc và trai; hai bên góc nhà là cuốn thư mạ vàng, đề chữ "Lưu thủy" và "Hành vân" có nghĩa là "Nước chảy - Mây trôi".

fgehetd8.png
Đã 3 thế hệ gia đình bà Lâm sống trong ngôi biệt thự cổ.

Trải qua 120 năm ngôi nhà cổ vẫn vững chắc, kiên cố. Những khung cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ vẫn còn đỏ, nền nhà sáng bóng, không một vết nứt vỡ. Ông Đức chia sẻ thêm, gia đình sẽ tiếp tục gìn giữ ngôi nhà cổ này xem đây như báu vật tồn tại theo thời gian cho tới đời các con cháu sau này.

Đường hầm xuyên núi 1.350 tỷ nằm ở lưng chừng núi, có địa chất phức tạp nhất cao tốc Bắc - Nam

Biệt thự 170 tỷ của nữ diễn viên nổi tiếng bị lửa thiêu rụi toàn bộ, gần 100 lính cứu hộ làm việc không ngừng suốt 2 giờ: Sự việc đau lòng xảy ra 9 tháng trước, nguyên nhân do chập thiết bị điện

Nữ ca sĩ Việt sinh con cho tỷ phú Mỹ, sống xa hoa trong biệt thự triệu đô 1.400m2: Ái nữ được tuyển thẳng vào trường đại học danh tiếng tại Mỹ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/biet-thu-tram-nam-tuoi-cua-dai-gia-bat-trang-xay-cung-thoi-voi-cau-long-bien-ben-trong-cat-giu-nhieu-co-vat-gia-tri-206097.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Biệt thự trăm năm tuổi của đại gia Bát Tràng: Xây cùng thời với cầu Long Biên, bên trong cất giữ nhiều cổ vật giá trị
    POWERED BY ONECMS & INTECH