Với vai trò là các "tay chơi" thứ thiệt với niềm tin mãnh liệt về ước mơ chinh phục các giới hạn của đầu tư tài chính, "vương quốc Binance" ở Việt Nam vẫn đang không ngừng hùng mạnh.
Hồi đầu tháng 6 năm nay, hàng loạt báo chí đưa tin vụ Công an tỉnh Sơn La tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam lớp phó học tập Đào Thị Hiền Trang (34 tuổi, ở huyện Mai Sơn, Sơn La) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan công an, Trang là lớp phó học tập, được giao thu tiền học phí của 45 học viên với số tiền hơn 300 triệu đồng. Sau khi thu tiền, Trang không nộp cho nhà trường mà đầu tư vào app tiền ảo có tên BINANCE trên mạng. Đầu tư thua lỗ, Trang không thể hoàn trả số tiền.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà số tiền chiếm đoạt được từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị áp dụng khung hình phạt 5 - 12 năm tù.
Tương lai của một người trẻ tuổi, giỏi giang dừng lại ở đó, có thể rất lâu sau khi trả giá bằng tiền, sự tín nhiệm, sự tự do thì Trang mới có thể bước tiếp được chặng đường đời.
Chi tiết xem bài viết "Nhiều người Việt phá sản vì tiền số"
Đáng nói, hiện tại nhiều quốc gia đã cấm cửa Binance song "sòng bạc online" vẫn ngang nhiên tồn tại ở Việt Nam và lấy đi "cơ nghiệp", vốn liếng của cả ngàn nhà đầu tư.
Trung Quốc có lẽ là quốc gia đầu tiên nhìn thấy nguy cơ từ thị trường tiền mã hóa và mạnh tay siết chặt. Việc cấm các hoạt động đào, giao dịch tiền ảo và sở hữu tiền ảo vào năm 2017 đã khiến Binance dù được thành lập ở Trung Quốc bởi Triệu Trường Bằng biệt danh CZ nhưng phải chuyển trụ sở ra nước ngoài. Mặc dù Trung Quốc không chấp nhận "sòng bạc" Binance nhưng Binance vẫn trở thành sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới khi liên tục "chạy" sang nước này, nước nọ.
Vào khoảng tháng 6/2021, Chính phủ Anh cũng nhận thấy những rủi ro từ ngành công nghiệp tiền mã hóa và ra quyết định cấm cửa sàn giao dịch Binance. Cơ quan quản lý tài chính của Anh đã yêu cầu Binance dừng mọi hoạt động pháp lý tại Anh cũng như cả các công ty có liên quan bao gồm Binance Markets Limited và công ty mẹ Binance Group. Tuy lý do của việc "cấm cửa" không được đưa ra nhưng lo ngại của các cơ quan quản lý thường liên quan đến vai trò tiềm tàng của tiền mã hóa trong các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền và gian lận đồng thời để bảo vệ nhà đầu tư trước một loại hình giao dịch mới vốn ít người hiểu rõ.
Tháng 7 năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách Thái Lan cũng thực hiện những bước đi nhằm siết chặt quản lý thị trường tiền số. Ủy ban chứng khoán Thái Lan (SEC) đã nộp đơn khiếu nại hình sự chống lại sàn giao dịch tiền số Binance vì tội kinh doanh không có giấy phép.
Ở Nhật Bản, hồi cuối tháng 6/2021, Chính phủ nước này cũng nhận định sàn Binance đang hoạt động trái phép trên lãnh thổ của họ. Cũng khoảng nửa đầu năm 2021, nước Đức cảnh báo sẽ phạt Binance vì tổ chức giao dịch tiền số bất hợp pháp.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ điều tra sàn Binance vì nghi ngờ có liên quan đến hoạt động rửa tiền và trốn thuế. Các cơ quan quản lý Hàn Quốc cũng đưa ra quy định mới và đóng cửa hàng chục sàn giao dịch tiền điện tử.
Câu hỏi đặt ra là, những hệ lụy từ tiền số đã và đang tác động sâu đến đời sống, xã hội, nền kinh tế Việt Nam, vì đâu "sòng" Binance nói riêng và những sòng tiền ảo khác nói chung vẫn chưa bị cấm cửa trong khi nhiều nước khác đã mạnh tay cấm?
Về vấn đề này, đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần phát đi thông điệp rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Ở vai của Ngân hàng Nhà nước, trách nhiệm của họ chỉ dừng lại ở những thông điệp cảnh báo. Việc đầu tư tiền ảo ở Việt Nam đã trở nên phổ biến đến mức giới trẻ hầu như ai cũng biết. Dòng tiền từ túi người Việt đã và đang đi ra khỏi Việt Nam theo các sòng tiền ảo nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa cấm cửa các "sòng".
Với vai trò là các "tay chơi" thứ thiệt với niềm tin mãnh liệt về ước mơ chinh phục các giới hạn của đầu tư tài chính, "vương quốc Binance" ở Việt Nam vẫn đang không ngừng hùng mạnh.
Trên diễn đàn, nhiều ý kiến tỏ ra thái độ bất bình:
FB Pham Thuyen nêu: "Thắng thì ít thua thì nhiều mong cơ quan sớm can thiệp vào cho những ng sau đỡ khổ hơn".
FB Thuong Duongtan bày tỏ: "Mong các cơ quan chức năng can thiệp sớm và có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế trong thời buổi công nghệ. Con người ai cũng muốn hành động và làm một điều gì đó để tài sản mình nhân lên một cách nhanh chóng. Nhiều khi lựa chọn con đường có thể đúng có thể sai. Ai biết trước được. Nhưng chúng ta phải lựa chọn không lẽ nằm im mà chờ đợi một điều gì đó sao. Cuộc sống mà, có lúc lên lúc xuống. Nhiều khi lựa chọn con đường đi cũng quan trọng lắm."
... Song vẫn vẫn có không ít nhà đầu tư nhìn nhận vấn đề như một thực tế hiển nhiên đang và sẽ tồn tại.
Dẫu biết rằng với tất cả các kênh đầu tư dù hợp pháp hay bất hợp pháp, công khai hay chui,... việc lời ăn lỗ chịu là việc nhà đầu tư buộc phải chấp nhận. Quy luật cung cầu là sự vận động tất yếu trong mọi hoạt động đầu tư và đầu cơ.
Nhiều người thường có những phát ngôn cửa miệng rằng không tham lam, không háo thắng thì không thua lỗ song cũng có những ý kiến cho rằng không có các "sòng bạc" online, mánh khóe dụ dỗ, lừa lọc thì sẽ không có nhà đầu tư thua lỗ.
Người viết cho rằng, hơn hết nhà đầu tư cần có chính kiến và có quan điểm đúng đắn với các loại hình đầu tư trá hình, bất hợp pháp hoặc tiềm ẩn nhiều rủi ro để phòng tránh thay vì tâm lý mặc nhiên thừa nhận các phương thức đầu tư này như một thực tại bởi lẽ những cú ngã dù ở bất kỳ vị trí nào (đáy hay đỉnh, lãi ít hay lãi nhiều) thường sẽ rất đau.
Ông Donald Trump có thể mở ra ‘kỷ nguyên vàng’ cho tiền điện tử, Binance hưởng lợi ra sao?
Giải mã công thức giúp Binance trở thành Nhà đổi mới Fintech số 1 châu Á năm 2024