Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Định năm 2023 tính đến ngày 25/8 đã đạt 99,9% hồ sơ giải quyết đúng hạn.
Theo số liệu từ Cổng Dịch vụ công tỉnh Bình Định, trong năm 2023, tính đến ngày 25/8, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,9%. Để đạt được những kết quả trên, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp chỉ đạo trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Định Lê Ngọc An cho biết, để đạt được kết quả trên, địa phương đã kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính; tổ chức kiểm tra chuyên đề việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các địa phương cấp huyện, cấp xã thường xuyên để xảy ra tình trạng hồ sơ giải quyết trễ hẹn/quá hạn; đề nghị chuyển công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên để hồ sơ trễ hẹn/quá hạn và có biểu hiện thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Một trong những giải pháp đáng chú ý là Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, chấn chỉnh việc giải quyết hồ sơ TTHC trễ hẹn tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó có giải pháp định kỳ hằng tháng, Văn phòng UBND tỉnh công khai danh sách tổ chức, cá nhân giải quyết chậm/muộn hồ sơ thủ tục hành chính kể từ tháng 4/2022. Giải pháp này được Văn phòng Chính phủ tiếp thu và tham mưu Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện tại Nghị quyết số 85 ngày 9/7/2022.
Thiết lập quy trình điện tử
Ở tỉnh Bình Định, 100% thủ tục hành chính đã được xây dựng quy trình nội bộ, thiết lập quy trình điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” (Hệ thống VNPT iGate) để phục vụ cho công tác theo dõi, giám sát việc giải quyết đến từng cơ quan, đơn vị, cá nhân có tham gia xử lý hồ sơ.
Theo ông An, định kỳ hàng tháng, Văn phòng UBND tỉnh đã tổng hợp công khai danh sách các cá nhân gây ra hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn/quá hạn để gửi Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan làm cơ sở chấn chỉnh, đôn đốc việc giải quyết gắn với thực hiện công tác quản lý, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh thông tin, hồ sơ thủ tục hành chính có nhiều lĩnh vực, những lĩnh vực được người dân, xã hội quan tâm nhiều nhất là đất đai.
“Hồ sơ lĩnh vực này phát sinh số lượng nhiều; tính chất phức tạp; quy trình giải quyết khó khăn nhất là đối với những trường hợp người dân không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất, nên chủ yếu phụ thuộc vào khâu xác minh tại địa phương cơ sở, cho nên gây áp lực rất lớn cho anh em trong quá trình giải quyết, dẫn đến vẫn xảy ra trường hợp giải quyết trễ hạn”, ông An nói.
Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, quyết liệt của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tích cực phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC trễ hẹn trên lĩnh vực đât đai. Điều này thể hiện tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn/quá hạn trên lĩnh vực đất đai đã giảm đáng kể trong những năm trở lại đây, cụ thể: năm 2020 trễ hạn 16%; năm 2021 còn 2,1%; năm 2022 còn 0,3% và 6 tháng năm 2023 chỉ còn 0,2%.
Không có chỗ cho cán bộ sách nhiễu
Nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tỉnh đã chỉ đạo, quán triệt các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc việc cập nhật dữ liệu 100% trường hợp hồ sơ vào Hệ thống VNPT iGate để phục vụ cho công tác theo dõi, giám sát việc giải quyết. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân liên quan nếu phát hiện có trường hợp “bỏ ngoài” Hệ thống để tránh việc theo dõi, giám sát.
Chỉ đạo các cơ quan tham mưu tái cấu trúc quy trình giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử sát thực tế, cắt giảm các khâu, các bước không cần thiết nhằm tiết kiệm thời gian giải quyết xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Ông An cho hay, UBND tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính; tổ chức kiểm tra chuyên đề việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các địa phương cấp huyện, cấp xã thường xuyên để xảy ra tình trạng hồ sơ giải quyết trễ hẹn/quá hạn; thực hiện chuyển công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên để hồ sơ trễ hẹn/quá hạn và có biểu hiện thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Yêu cầu sớm đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng lõm sóng, lõm điện
Còn 143.000 thuê bao 2G Only đang bị khóa 2 chiều vì chưa chuyển lên 4G