'Bộ ba' cây cầu hơn 46.000 tỷ sẽ giảm tải mật độ giao thông Thủ đô Hà Nội
Dự kiến, cả ba cây cầu này sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024-2025.
Thời gian qua, TP. Hà Nội đang triển khai loạt dự án cầu với tổng mức đầu tư hơn 46.000 tỷ đồng. Cụ thể, loạt dự án đang được triển khai gồm: Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Hồng Hà.
Cầu Tứ Liên
Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài khoảng 11,5km, từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên).
Trong đó, cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9km, cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ.
Theo phương án phê duyệt, cầu Tứ Liên được thiết kế dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình, kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Hà Nội.
Dự án nằm giữa cầu Nhật Tân và Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, được UBND TP. Hà Nội giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.000 tỷ đồng.
>> Điểm tên những cây cầu là biểu tượng du lịch của Việt Nam
Theo Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội, đây sẽ là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Cầu Trần Hưng Đạo
Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo nằm trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm (gồm phường Phan Chu Trinh và Chương Dương), quận Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và quận Long Biên (các phường Long Biên, Bồ Đề và Gia Thụy).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16.374 tỷ đồng. Công trình được xây dựng vĩnh cửu với chiều dài toàn tuyến khoảng 5,6km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp, 2 làn đi bộ, tốc độ thiết kế 80km/h.
Theo thiết kế, các cầu nhánh trong nút giao có bề rộng từ 7-9m. Các nút giao trên tuyến được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh gồm: Nút giao phía quận Hoàn Kiếm (giao với đường đê Hữu Hồng, Trần Hưng Đạo), nút giao với đường Cổ Linh, nút giao với đường Nguyễn Sơn và nút giao với đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên).
Sau khi hoàn thiện, cầu Trần Hưng Đạo được kỳ vọng sẽ kết nối hai bờ sông Hồng, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giảm thiểu ùn tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô...
Theo kế hoạch, cầu Trần Hưng Đạo có công tác chuẩn bị, lập thiết kế trong năm 2023-2024; thi công trong giai đoạn 2025-2027, cơ bản hoàn thành trong năm 2027.
Cầu Hồng Hà
Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2023-2025, TP. Hà Nội sẽ tập trung phát triển hạ tầng đô thị dọc hai bên bờ sông Hồng, trong đó sẽ khởi công xây dựng cầu Hồng Hà, thuộc Dự án xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô
Cầu Hồng Hà có tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng, chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 6km. Dự kiến tháng 10/2024, công trình sẽ khởi công và hoàn thành sau 3 năm.
Theo quy hoạch, phía Nam cầu Hồng Hà nằm tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Cầu giao cắt với đường Hồng Hà đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai; phía Bắc nằm tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh, vượt qua đường đê tả sông Hồng.
Sau khi hoàn thiện, cầu Hồng Hà được kỳ vọng sẽ là một phần quan trọng giúp kết nối giao thông đi lại từ huyện Đan Phượng tới huyện Mê Linh, giảm tải mật độ giao thông qua lại trên cầu Thăng Long.
Đồng thời, cây cầu này là một trong những mắt xích quan trọng thuộc tuyến đường Vành đai 4 Hà Nội.
>> Tỉnh là cửa ngõ giao thương với TP. HCM chuẩn bị có chuỗi cảng biển hơn 12.000 tỷ đồng
Điểm tên những cây cầu là biểu tượng du lịch của Việt Nam
Hình hài cây cầu vượt bắc qua sông Mã dài nhất xứ Thanh sắp khánh thành