Sẽ có 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thuộc diện thanh tra trong đợt này (ngoại trừ nhóm kinh doanh sản phẩm nhiên liệu bay).
Bộ Công Thương tiến hành thanh tra nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, sẽ có 33 doanh nghiệp đầu mối thuộc diện thanh tra trong đợt này. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh mảng sản phẩm nhiên liệu bay sẽ không thuộc diện thanh tra.
Theo danh sách trên cổng thông tin Bộ Công Thương về hoạt động kinh doanh xăng dầu, thị trường có tổng số 36 doanh nghiệp đầu mối, trong đó những cái tên chiếm thị phần lớn có Petrolimex, PVOil, Công ty TNHH một thành viên - Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội...
Thời kỳ tiến hành thanh tra bắt đầu trong giai đoạn từ 1/1/2021 đến 11/2/2022. Trong quá trình thanh tra nếu có nội dung liên quan đến trước và sau thời kỳ thanh tra, Đoàn Thanh tra có thể kiểm tra, làm rõ. Thời hạn thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Kỳ thanh tra này sẽ có đánh giá chung về hoạt động kinh doanh xăng dầu thời kỳ thanh tra, bao gồm cơ chế hoạt động và đặc thù hoạt động trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 2 năm nay; báo cáo đánh giá chung về kết quả đã đạt được, chưa đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cần truy lại việc cấp phép đối với doanh nghiệp xăng dầu
Đoàn thanh tra sẽ kiểm tra việc tuân thủ quy định về cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu; sở hữu, đồng sở hữu hệ thống hạ tầng kinh doanh xăng dầu (kho, bể chứa, tàu vận chuyển...); hệ thống phân phối (tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ trực thuộc).Đoàn thanh tra cũng sẽ làm rõ các vấn đề như việc đăng ký hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định; báo cáo số liệu nhập - xuất - tồn kho xăng dầu; báo cáo định kỳ hàng tháng về tình hình thực hiện nhập khẩu xăng dầu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, xuất khẩu xăng dầu.
Ngoài ra, hàng loạt vấn đề khác như nhập, tiêu thụ, dự trữ cũng sẽ được Đoàn thanh tra làm rõ. Về vấn đề kinh doanh xăng dầu, Đoàn sẽ làm rõ các hoạt động từ mua xăng dầu, đến tiêu thụ, dự trữ.
Cụ thể, về mua xăng dầu, các doanh nghiệp phải cung cấp các hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với các đối tác trong và ngoài nước gồm chủng loại xăng dầu, khối lượng xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu; hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu được Bộ Công Thương phân bổ; Báo cáo về khối lượng xăng dầu nhập vào từ ngày 1/1/2021 đến ngày 11/2,...
Với xăng dầu nhập khẩu, Đoàn làm rõ đơn vị nào cung cấp, hợp đồng, tờ khai nhập khẩu, thời gian nhập khẩu, thực tế nhập kho ra sao.
Với xăng dầu mua trong nước, các doanh nghiệp thuộc diện thanh tra cần thống kê rõ đơn vị cung cấp, hợp đồng, thời gian mua, thực tế nhập kho (số lượng, đơn giá, thành tiền...).
Đoàn thanh tra cũng tiến hành thanh tra nội dung liên quan tới việc tiêu thụ xăng dầu. Theo đó làm rõ các hợp đồng xuất khẩu xăng dầu; phân phối xăng dầu thông qua các đơn vị trực thuộc; sản lượng cam kết từng đơn vị từng tháng, thực tế thực hiện;
Các doanh nghiệp cũng phải báo cáo sản lượng bình quân ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một ngày của tháng 12/2021; tháng 1 và tháng 2 năm nay; tổng hợp xuất tồn từng tháng trong thời kỳ thanh tra cho từng loại, thực hiện bán hàng chi tiết theo từng đơn vị trong hệ thống phân phối...
Một nội dung khác cũng được thanh tra lần này đó là việc thực hiện quy định về dự trữ xăng dầu. Doanh nghiệp cũng được nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh xăng dầu, kèm theo đó là các kiến nghị nếu có.
Giá xăng dầu hôm nay 14/12: lấy lại đà tăng
VietinBank (CTG) sẽ bán tài sản đảm bảo cho khoản nợ nghìn tỷ của đại gia xăng dầu Trung Linh Phát