Bộ Công Thương xây dựng kịch bản ứng phó khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang
Trước diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian gần đây, thương mại thế giới đang nổi lên ba xu hướng rõ rệt gồm: "phi toàn cầu hóa" hay phân mảnh trong thương mại quốc tế khiến cho các công cụ thuế quan được sử dụng trở lại; bảo hộ thị trường thông qua các biện pháp kỹ thuật, rào cản thương mại hay các biện pháp phòng vệ thương mại; các động thái chính sách khó đoán định khiến chuỗi cung ứng và sản xuất bị xáo trộn, tổn thương, thậm chí đứt gãy.
Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng,... Cùng với đó, các nước nhập khẩu cũng từng bước triển khai, áp dụng những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường,... khắt khe hơn đối với sản phẩm nhập khẩu.
Bộ Công Thương đánh giá: “Những diễn biến trên thị trường quốc tế từ đầu năm đến nay đang phản ánh rõ ràng xu hướng trên và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đà hồi phục của thị trường thế giới, đặc biệt là khu vực thị trường châu Âu – châu Mỹ vốn là địa bàn xuất nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam”.
>>HSBC: Việt Nam là quốc gia đối diện với rủi ro thuế quan cao nhất ASEAN
Đặc biệt, đầu tháng 2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích hoạt điều khoản về tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Thẩm quyền kinh tế khẩn cấp (IEEPA) với lý do để đối phó với tình trạng người nhập cư bất hợp pháp và chất gây nghiện vận chuyển trái phép vào Mỹ, để làm căn cứ pháp lý cho việc áp thuế quan bổ sung 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico; 10% với hàng hóa nhập khẩu tử Trung Quốc.
Ngay sau đó, Canada và Mexico đã tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ và tạm thời được miễn trừ mức thuế nhập khẩu trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, mức thuế và thời hạn áp thuế vẫn được giữ nguyên. Điều này dẫn tới việc quốc gia này áp thuế trả đũa và hạn chế xuất khẩu nhiều loại khoáng sản quan trọng sang Mỹ.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các vụ thị trường nước ngoài, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt thông tin diễn biến tình hình thị trường, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, ngành công thương luôn kiên định chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm,...
Ảnh minh họa - Nguồn: Dương Đông/Báo Công Thương |
Nhằm hạn chế rủi ro và thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung vào các nhóm chính sách cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế cạnh tranh, 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và gần 70 cơ chế hợp tác song phương hiện có với các nước (Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Hội đồng thương mại...) để khai thác có hiệu quả các thị trường trọng điểm và thị trường truyền thống, phát triển thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.
Thứ hai, tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng, thông qua việc nghiên cứu, phổ biến thông tin, cơ hội thị trường tới doanh nghiệp, đề xuất đàm phán các FTA mới với thị trường có nhiều tiềm năng, tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép thiết lập mới, tăng cường sự hiện diện của đại diện thương mại Việt Nam (các Thương vụ thuộc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) tại các thị trường tiềm năng nhằm phục vụ phát triển hoạt động ngoại thương của đất nước, hỗ trợ bảo vệ lợi ích kinh tế,...
Thứ ba, các đơn vị trong Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan chức năng và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam. Từ đó, kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ phản ứng chính sách phù hợp.
Bộ Công Thương tăng cường cung cấp thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của thị trường xuất nhập khẩu lớn, kèm theo đánh giá về thách thức, cơ hội để doanh nghiệp xây dựng chiến lược và kế hoạch thích ứng phù hợp.
Thứ tư, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong việc đẩy mạnh việc thực hiện đề án của Chính phủ về “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" nhằm tăng cường chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; xử lý nghiêm các vi phạm.
Ngành Công Thương tiếp tục tranh thủ xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế cũng như lợi thế của Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tăng cường giám sát cấp phép dự án đầu tư mới, sàng lọc nghiêm ngặt vốn đầu tư nước ngoài để tránh trường hợp Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển, lợi dụng nguồn gốc xuất xứ của nước thứ ba.
Ảnh minh họa - Nguồn: VGP |
Thứ năm, triển khai việc hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng cụ thể, sát theo từng thị trường và ngành hàng. Cụ thể, tăng cường nhận thức của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu về các hướng tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Ngoài ra, ngành cũng khắc phục hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thông tin thị trường, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu,...; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại phù hợp với xu thế phát triển của thị trường; tận dụng nguồn lực hỗ trợ phát triển thương mại ở những ngành hàng, khu vực thị trường phù hợp với thực tế; bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam;...
Thứ sáu, tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới.
Thứ bảy, tiếp tục triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với người Việt ở trong nước và với kiều bào ở nước ngoài.
Đối với thị trường Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng, quan hệ kinh tế, thương mại của hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đánh giá trụ cột kinh tế, thương mại sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Mỹ.
"Các vấn đề tồn tại trong kinh tế thương mại song phương nếu có sẽ được chủ động trao đổi thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA)", Bộ Công Thương đánh giá.
>>Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu GDP 2025 vượt 8%, thu nhập bình quân đạt 5.000 USD
Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải kết nối dữ liệu với Bộ Công Thương
Năm 2025, Bộ Công Thương sẽ sớm kiện toàn bộ máy để hoạt động hiệu quả hơn