Vĩ mô

Xuất khẩu chững lại, thị trường cạnh tranh khốc liệt: ‘Hạt ngọc trời’ của Việt Nam có còn giữ vững vị thế?

Phúc Lam 05/02/2025 0:05

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý IV năm 2024, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 đã đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị.

Được mệnh danh là "hạt ngọc trời", loại nông sản này đạt sản lượng xuất khẩu khoảng 9,18 triệu tấn, đem về 5,75 tỷ USD, tăng 12% về lượng và tăng khoảng 23% về giá trị. Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo, chỉ sau Ấn Độ (17 triệu tấn) và Thái Lan (10 triệu tấn).

Giá xuất khẩu gạo bình quân trong năm 2024 đạt 627 USD/tấn, so với năm trước tăng 9%, đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam trong 3 năm qua đã có hành trình tăng ấn tượng, tăng hơn 28% và đưa kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 2 con số.

Gạo Việt Nam đã có mặt tại khoảng 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp cũng đã tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tăng cường xuất khẩu.

Tuy nhiên, bước sang năm 2025, ngành lúa gạo Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khi xuất khẩu gạo được dự báo sẽ giảm cả về lượng và giá trị. Xuất khẩu gạo cả năm 2025 được dự báo đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục trong năm 2024.

Xuất khẩu chững lại, thị trường cạnh tranh khốc liệt: ‘Hạt ngọc trời’ của Việt Nam có còn giữ vững vị thế?
Ảnh minh họa - Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

Nguyên nhân là do nhu cầu suy yếu trong khi cạnh tranh gia tăng giữa các nước sản xuất như Thái Lan, Ấn Độ,... Đặc biệt, trong 2 năm qua, Ấn Độ siết chặt xuất khẩu gạo khiến nguồn cung toàn cầu bị thu hẹp và đẩy giá gạo lên cao. Nhờ vậy, Việt Nam có cơ hội vươn lên top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, sự trở lại mạnh mẽ của Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới khi đất nước này dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu, thị trường gạo trên thế giới sẽ cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Bên cạnh đó, nhiều nhà nhập khẩu đang có xu hướng chuyển sang các thị trường khác để tận dụng nguồn cung giá rẻ. Thực tế này sẽ khiến giá gạo Việt Nam có thể giảm xuống mức thấp hơn cả năm 2022, thậm chí tiệm cận ngưỡng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý IV năm 2024, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với vai trò là quản lý Nhà nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Trong năm 2025, để thúc đẩy xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho thị trường, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường công tác thông tin thị trường; chủ động biện pháp ứng phó khi có diễn biến bất thường; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...

Ngoài ra, kiến nghị về giải pháp bền vững, nâng cao giá trị cho gạo xuất khẩu, ông Hải nhấn mạnh việc đảm bảo chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, để giữ vững lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính sách tài chính.

Ngoài ra, việc tăng hay giảm của giá lúa là quy luật cung cầu và nằm ngoài tầm kiểm soát của người nông dân. Vì vậy, ngành lúa gạo Việt Nam cần tập trung vào các yếu tố có thể chủ động điều chỉnh như: cắt giảm chi phí, hạn chế thất thoát sau thu hoạch và tăng cường chuỗi liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra.

>>'Hạt ngọc trời’ của Việt Nam gặp khó sau khi lập kỳ tích trong năm 2024

Ngành da giày trước cơ hội lớn: Mục tiêu xuất khẩu 29 tỷ USD năm nay

Giá cước vận tải ‘rớt đáy’: Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ liệu có thắng lớn?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-chung-lai-thi-truong-canh-tranh-khoc-liet-hat-ngoc-troi-cua-viet-nam-co-con-giu-vung-vi-the-274387.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xuất khẩu chững lại, thị trường cạnh tranh khốc liệt: ‘Hạt ngọc trời’ của Việt Nam có còn giữ vững vị thế?
    POWERED BY ONECMS & INTECH