Bất động sản

Bộ Giao thông Vận tải phản hồi thẩm định dự án sân bay Đất Đỏ hơn 3.300 tỷ đồng

Quốc Chiến 11/01/2024 - 17:09

Bộ Giao thông Vận Tải đề nghị rà soát lại nội dung đánh giá vùng trời sân bay Đất đỏ để không ảnh hưởng đến các hoạt động bay của sân bay Long Thành.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến thẩm định về dự án đầu tư xây dựng sân bay Đất Đỏ do Công ty TNHH Hồ Tràm đề xuất.

Theo đó, tại quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch ngành quốc gia) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 với phạm vi nghiên cứu bao gồm hệ thống các cảng hàng không phục vụ khai thác hàng không dân dụng thường lệ.

Sân bay Đất Đỏ được xác định là mô hình sân bay chuyên dùng trên mặt đất theo Quyết định số 3114/QĐ-BQP ngày 10/10/2020 của Bộ Quốc phòng với mục tiêu đầu tư nhằm khai thác hàng không chung.

san-bay-dat-do
Quy mô của sân bay Đất Đỏ

Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng đối với nội dung đánh giá sự phù hợp với quy hoạch.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, liên quan đến số liệu dự báo nhu cầu hàng không chung, hồ sơ dự án chưa bao gồm số liệu thống kê về hoạt động, số chuyến bay hàng không chung tại Việt Nam và số liệu hiện trạng các loại tàu bay khai thác hàng không chung trong các năm qua. Vì vậy, Bộ chưa đủ cơ sở để đánh giá, nhu cầu khai thác hàng không chung bằng tàu bay A321 và tương đương trở xuống.

>> Chuẩn bị lên quận, huyện được coi là 'thủ phủ công nghiệp' của Hà Nội sẽ quy tụ cả cao tốc, sân bay

Về dự báo các tuyến bay, định hướng đầu tư phát triển hàng không chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/Q-TTg ngày 7/6/2023 đã xác định hạn chế khai thác hoạt động hàng không chung tại các cảng hàng không có mật độ cất hạ cánh cao. Tuy nhiên, hồ sơ dự án sân bay Đất Đỏ đang dự báo các tuyến bay được kết nối giữa sân bay Đất Đỏ với các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh, TP. HCM, Phú Quốc. Đây là những điểm thuộc các cảng hàng không quốc tế có mật độ khai thác cao trong hệ thống cảng hàng không nội địa.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn trước mắt, do hệ thống sân bay chuyên dùng và hoạt động hàng không chung chưa phát triển nên việc khai thác một số đường bay tới các cảng hàng không này là không thể tránh khỏi. Song, trong giai đoạn phát triển dài hạn, Bộ đề nghị tiếp tục nghiên cứu, phát triển các tuyến đường bay mới để đáp ứng nhu cầu khai thác và bảo đảm phù hợp với định hướng tại Quyết định số 648/Q-TTg.

Bên cạnh đó, vùng trời sân bay chuyên dùng Đất Đỏ là vòng tròn 15km với tâm là đài VOR/DME, giới hạn từ mặt đất/nước lên đến 1200m. Nhưng vùng trời sân bay này đang nằm trong vùng kiểm soát tiếp cận của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện hữu, Cảng hàng không quốc tế Long Thành (dự kiến đưa vào khai thác trong thời gian tới), Cảng hàng không Biên Hòa (đã được bổ sung quy hoạch) và gần sân bay Vũng Tàu (cách khoảng 30 km về phía Tây Nam).

Hiện nay, công tác thiết kế vùng trời và phương thức bay của cụm 4 cảng hàng không Long Thành - Tân Sơn Nhất - Biên Hòa - Phan Thiết đang trong giai đoạn thực hiện. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị rà soát lại nội dung đánh giá vùng trời sân bay Đất đỏ để không ảnh hưởng đến các hoạt động bay của sân bay Long Thành trong tương lai. Ngoài ra, đề nghị xem xét, bổ sung đánh giá ảnh hưởng hoạt động bay của sân bay Đất Đỏ với sân bay Vũng Tàu.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hồ sơ dự án chỉ đưa ra tổng mức đầu tư là 3.305 tỷ đồng tuy nhiên không kèm theo nội dung tính toán chi tiết. Do đó, Bộ đánh giá là chưa đủ cơ sở để tham gia ý kiến. Bộ đề nghị đơn vị tư vấn bổ sung thuyết minh về phương pháp tính và dự toán chi tiết.

san-bay-dat-do-1.jpg
Phối cảnh 3D sân bay Đất Đỏ.

Tổng quan dự án sân bay Đất Đỏ

Sân bay Đất Đỏ là dự án do Công ty TNHH dự án Hồ Tràm đề xuất, dự kiến triển khai trên địa phận xã Lộc An và xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. sân bay nằm cách trung tâm huyện Đất Đỏ về phía Đông khoảng 8,5km.

Sân bay Đất Đỏ được xác định có chức năng nhiệm vụ chủ yếu là sân bay chuyên dùng, phục vụ khai thác hàng không chung và vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi (không phải vận chuyển công cộng). Nằm gần cụm sân bay Long Thành - Tân Sơn Nhất, nên sân bay Đất Đỏ được dự phòng cho tiếp nhận máy bay hàng không dân dụng khi có tình huống khẩn cấp.

Theo đề xuất của Công ty TNHH Hồ Tràm, sân bay Đất Đỏ được đầu tư đảm bảo khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương cùng với các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ; cấp hạng sân bay là 4C (theo ICAO) và sân bay quân sự cấp II; cấp hạng dẫn đường là CAT I (theo ICAO).

Đối với các công trình khu bay, dự án sẽ xây dựng xây dựng 1 đường cất hạ cánh có chiều dài 2.400x45m, 1 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào sân đỗ máy bay đồng bộ; sân đỗ tàu bay hàng không chung đảm bảo tối thiểu 4 vị trí đỗ tàu bay cánh bằng. Có dự trữ đất để mở rộng sân đỗ khi có nhu cầu.

Trong số các công trình quản lý, điều hành bay, đáng chú ý nhất là việc dự án sẽ xây dựng 1 đài kiểm soát không lưu tại phía Đông nhà ga hành khách hàng không chung. Đài được bố trí xây dựng trên khu đất có kích thước 60x100m.

Với quy mô đầu tư như trên, dự án có tổng vốn đầu tư ước khoảng 3.306 tỷ đồng; thời gian hoạt động của dự án là 70 năm; hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Tổng diện tích sử dụng đất của sân bay chuyên dùng Đất Đỏ là 214,4ha.

>> Cảng hàng không đầu tiên tại Sa Pa sẽ được khởi công trong năm nay

Hai ‘ông lớn’ ngành hàng không 'bắt tay' hợp tác khai thác nhà ga sân bay Long Thành

Chính phủ giao bổ sung gần 1.000 tỷ đồng bồi thường đất sân bay Long Thành

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bo-giao-thong-van-tai-phan-hoi-ve-du-an-san-bay-dat-do-hon-3300-ty-dong-d114599.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ Giao thông Vận tải phản hồi thẩm định dự án sân bay Đất Đỏ hơn 3.300 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH