Bộ GTVT lý giải cao tốc đã thông nhưng không có đường gom dân sinh
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị sớm hoàn thành, đưa đường dân sinh, đường dẫn vào cao tốc hoạt động.
Theo đó, cử tri kiến nghị sớm hoàn thành và đưa đường dân sinh (ở hai bên đường cao tốc) cũng như các đường dẫn vào cao tốc vào hoạt động để người dân thuận tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Trả lời kiến nghị của cư tri, Bộ GTVT cho biết, các dự án cao tốc thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đã được Bộ khởi công từ cuối năm 2020.
Ngay sau khi triển khai, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tổ chức thi công, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các dự án đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; dịch bệnh Covid-19 kéo dài; giá cả vật liệu tăng đột biến, ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của các nhà thầu.
Trong khi đó, một loạt các dự án cũng triển khai đồng thời dẫn đến thiếu hụt nguồn đất đắp. Mặc dù Chính phủ đã ban hành các nghị quyết để tháo gỡ, nhưng thủ tục cấp phép và gia hạn thời gian khai thác mỏ đất còn kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện. Đến tháng 11/2022 mỏ đất cuối cùng mới có thể khai thác, đầu tháng 4/2023 mới hoàn tất thủ tục gia hạn thời gian khai thác.
Để hoàn thành các hạng mục chính đưa Dự án vào khai thác theo đúng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo tập trung hoàn thành các hạng mục như: Thảm bê tông nhựa mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, các cầu vượt ngang, đường gom dân sinh tại các đoạn đông dân cư…
Theo đó, đã đưa tuyến chính của Dự án vào khai thác dịp 30/4 và 19/5, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, giảm áp lực giao thông, đặc biệt là các dịp nghỉ Lễ, đáp ứng nhu cầu lưu thông của các phương tiện.
Riêng các hạng mục đường đầu cầu vượt ngang, đường gom, một số nút giao, chưa thể hoàn thành đồng bộ với tuyến chính do thiếu vật liệu đắp như đã nói trên.
Đồng thời với việc đưa dự án vào khai thác, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương tổ chức thi công các hạng mục còn lại.
Đối với các hạng mục mới bổ sung (đường gom, hệ thống thoát nước, ...) theo kiến nghị của địa phương, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, rà soát, xác định phạm vi thực hiện và sẽ tổ chức thi công ngay sau khi địa phương bàn giao mặt bằng.
Bộ GTVT cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc tổ chức triển khai, đảm bảo kết nối đồng bộ khi đưa các dự án vào khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại và hoạt động sản xuất của người dân.