Bộ Nội vụ hé lộ lý do tỉnh lớn nhất cả nước 'không thuộc' diện sáp nhập
Với lợi thế “địa hình Việt Nam thu nhỏ”, tỉnh này có thể trở thành động lực phát triển vùng Bắc Trung Bộ trong tương lai.
Tại Tọa đàm “Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm” do báo Dân trí tổ chức, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng xoay quanh việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ông Phan Trung Tuấn khẳng định, diện tích và dân số chỉ là yếu tố khởi đầu, không phải yếu tố mang tính quyết định khi xem xét sắp xếp đơn vị hành chính. Mục tiêu lớn nhất là kiến tạo một nền tảng có thể tạo ra nhiều dư địa phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong tương lai.
Theo ông Tuấn, Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp lần này được Bộ Nội vụ thực hiện với tinh thần khẩn trương nhưng đồng thời rất thận trọng. Mỗi tiêu chí trong đề án đều được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với chiến lược dài hạn, hướng tới tầm nhìn hàng trăm năm.
"Chúng tôi không chỉ đơn thuần tính toán theo quy mô, mà đặt mục tiêu tạo động lực phát triển quốc gia ở tầm nhìn dài hạn", ông Tuấn nhấn mạnh.
Về tiêu chí “mở rộng không gian phát triển”, ông Tuấn cho rằng đây là yếu tố mang tính chiến lược, nhưng phải đặt trong mối tương quan tổng thể với các yếu tố như địa lý, văn hóa, an ninh - quốc phòng, quy hoạch vùng và liên vùng. Đồng thời, việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị và phục vụ người dân cũng là định hướng xuyên suốt theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Dẫn lại câu chuyện của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh Bùi Xuân Sơn, người luôn kỳ vọng về một ngày tái hợp tỉnh ngay từ khi chia tách cách đây 30 năm, ông Tuấn cho biết, đó cũng là tâm tư chung của nhiều người hiện nay. Việc chia tách hay sáp nhập địa giới trong mỗi giai đoạn đều xuất phát từ điều kiện phát triển đặc thù của thời kỳ đó. Trước kia, do hạn chế về hạ tầng, công nghệ, trình độ cán bộ và dân trí, việc chia nhỏ địa giới hành chính là hợp lý để dễ quản lý. Tuy nhiên, hiện nay, khi điều kiện đã thay đổi sâu sắc, thì sáp nhập là xu thế tất yếu.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương như Bắc Ninh hay Đà Nẵng – từng là điển hình về thu hút đầu tư, hiện đã gần như cạn quỹ đất phát triển. Việc mở rộng địa giới, kết nối với các khu vực lân cận sẽ tạo nên những đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn, khả năng thu hút đầu tư cao hơn và tạo thêm không gian chiến lược cho phát triển dài hạn.
![]() |
Nghệ An là địa phương không thuộc diện sáp nhập lần này. Ảnh: Báo Nghệ An |
>> Việt Nam sắp có khu lâm nghiệp công nghệ cao đầu tiên, 'tọa lạc' tại tỉnh lớn nhất
"Sáp nhập địa giới không đơn thuần là hành chính, mà là giải pháp phát triển bền vững, tạo dư địa mới cho quy hoạch và thu hút đầu tư", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài việc xem xét sáp nhập, ông Tuấn cũng cho biết trong đề án trình Trung ương, Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên một số tỉnh không thực hiện sáp nhập lần này, điển hình như Nghệ An và Thanh Hóa. Đây là hai địa phương có quy mô lớn cả về diện tích lẫn dân số, đồng thời sở hữu tiềm năng phát triển nổi bật.
Với lợi thế “địa hình Việt Nam thu nhỏ”, từ vùng núi đến ven biển, sân bay đến cảng biển, hai tỉnh này có thể trở thành động lực phát triển vùng Bắc Trung Bộ trong tương lai.
Với diện tích 16.490,25km2, Nghệ An là tỉnh lớn nhất Việt Nam, chiếm 3,2% tổng diện tích cả nước.
Thực hiện Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025, kể từ ngày 1/12/2024, tỉnh Nghệ An có 20 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm một thành phố, hai thị xã và 17 huyện, với 412 đơn vị hành chính cấp xã.
Cụ thể, thành phố Vinh là đô thị loại I, trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ. Hai thị xã là Hoàng Mai và Thái Hòa. 17 huyện gồm Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Nghệ An đặt mục tiêu có khoảng 40-45 đô thị, gồm một đô thị loại I (thành phố Vinh), hai đô thị loại III (thành phố Hoàng Mai và thành phố Thái Hòa), hai đô thị loại IV/III (thị xã Diễn Châu và thị xã Đô Lương), 15 thị trấn huyện lỵ và 20-25 thị trấn tiểu vùng thuộc huyện. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh dự kiến đạt 34-36% vào năm 2025 và 40-45% vào năm 2030.
Tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An hướng tới tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển ít nhất hai đô thị hàng đầu, giữ vai trò đầu mối kết nối với hệ thống đô thị quốc gia và khu vực.
Nghệ An cũng chú trọng phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh Bắc Trung Bộ, đặc biệt là các đô thị trung tâm vùng với các đô thị lân cận. Việc quy hoạch và phát triển hợp lý được kỳ vọng giúp Nghệ An tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế và nguồn nhân lực để thúc đẩy phát triển bền vững.
>> Aeon sắp xây TTTM 1.170 tỷ tại tỉnh dự kiến sáp nhập với Hải Phòng
Việt Nam sắp có khu lâm nghiệp công nghệ cao đầu tiên, 'tọa lạc' tại tỉnh lớn nhất
Dự án nhiệt điện LNG hơn 2 tỷ USD tại tỉnh lớn nhất cả nước có chuyển biến mới