Bộ Quốc phòng Nga hé lộ chi tiết cuộc tập trận hạt nhân
Lực lượng răn đe chiến lược của Nga đã tiến hành các cuộc diễn tập bao gồm các vụ phóng thử tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo liên lục địa từ trên không, trên biển và trên bộ, Bộ Quốc phòng nước này cho biết.
Cuộc tập trận được điều hành bởi Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Quốc gia, nhằm mục đích kiểm tra mức độ sẵn sàng của các lực lượng răn đe chiến lược.
"Trong quá trình diễn ra cuộc tập trận, quân đội Nga sẽ thực hiện các nhiệm vụ mô phỏng tấn công hạt nhân hàng loạt bằng các lực lượng răn đe chiến lược để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của đối phương", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov cho biết.
Theo một tuyên bố từ Bộ Quốc phòng, các cuộc tập trận cũng bao gồm việc phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars từ sân bay vũ trụ Plesetsk tại bãi thử Kura (Kamchatka).
"Các tên lửa đạn đạo Sineva và Bulava đã được phóng từ tàu ngầm tên lửa chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân Novomoskovsk ở Biển Barents, và từ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Knyaz Oleg ở Biển Okhotsk", Bộ này cho biết thêm. "Các máy bay tầm xa Tu-95MS cũng tham gia cuộc tập trận, phóng tên lửa hành trình".
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, tất cả các mục tiêu của cuộc tập trận đều đã hoàn thành, "tất cả tên lửa đều nhắm trúng đích".
Phát biểu về cuộc tập trận hôm 29/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vũ khí hạt nhân là "phương án cuối cùng nếu cần để đảm bảo an ninh quốc gia". Ông cũng tiết lộ, rằng lực lượng răn đe chiến lược sẽ sớm nhận được các bệ phóng tên lửa, tàu ngầm và máy bay ném bom mới, hoặc được nâng cấp.
"Với sự gia tăng căng thẳng địa - chính trị, cũng như sự xuất hiện của các mối đe dọa và rủi ro từ bên ngoài, quan trọng là phải có các lực lượng chiến lược hiện đại luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu”, ông Putin nói và lưu ý rằng Mátxcơva có kế hoạch cải thiện tất cả các “thành phần” của bộ ba hạt nhân.
Ngày 14/10, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tiến hành cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn "Steadfast Noon".
Điện Kremlin khi đó cho biết, cuộc tập trận sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong bối cảnh xung đột Ukraine.
Mátxcơva cũng cáo buộc, hệ thống chia sẻ hạt nhân của NATO đi ngược lại tinh thần không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tháng trước, Tổng thống Putin đề xuất cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga. Theo những thay đổi này, một hành động gây hấn chống lại Nga và đồng minh thân cận Belarus từ bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào - bao gồm cả Ukraine - "với sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân" sẽ được coi là một "cuộc tấn công chung", có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân.
>> Máy bay Nga thả bom lượn san phẳng tòa nhà có nhiều chỉ huy Ukraine