Bộ Tài chính cho biết, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước.
Sau khi lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xăng và thuế giá trị gia tăng (GTGT) với xăng dầu và gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ trình Quốc hội.
Có hai điểm trong dự thảo nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Bộ Tài chính đã làm rõ hơn về những vấn đề này.
Thuế TTĐB với xăng của Việt Nam đang ở mức thấp
Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý với Bộ Tài chính xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng trong trường hợp giá xăng cao bất thường. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng thuận với ý kiến này.
Cơ quan này cho rằng theo quy định của Luật Thuế TTĐB, chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại.
Theo đó, mức thuế suất thuế TTĐB áp dụng với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, trong khi mặt hàng xăng là đối tượng phải chịu thuế.
Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế TTĐB với mặt hàng xăng.
Theo như quy định của Pháp, mức thuế TTĐB 0,6629 euro/lít đối với xăng E10 và 0,6829 euro/lít đối với xăng khoáng; Đức là 0,3545 euro/lít; Italia ở mức 0,4784 euro/lít; Anh là 0,5295 bảng/lít.
Hàn Quốc là 311 won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%; Australia là 0,221 AU$/lít. Thái Lan là 6,5 baht/lít đối với xăng khoáng, 5,85 baht/lít đối với xăng 95 E10, 5,2 baht/lít đối với xăng 95 E20, 0,975 baht/lít đối với xăng 95 E85, 2,99 baht/lít đối với dầu diesel. Tại Singapore là 0,41 SGD/lít. Trung Quốc là 1,52 nhân dân tệ/lít, tương đương tỷ lệ 15,6%; Campuchia có mức thuế suất 15%; Lào có thuế suất 16%...
"Như vậy, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước, đặc biệt thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc", Bộ Tài chính thông tin.
Ngoài ra, việc quyết định điều chỉnh đối với thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Việc giảm thuế phải căn cứ trên cơ sở tính toán, đề xuất của Chính phủ
Thứ hai, về ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ sự cần thiết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định “thời gian áp dụng giảm thuế” và nguyên tắc để xác định “thời gian áp dụng giảm thuế”.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Luật Thuế TTĐB và Luật Thuế giá trị gia tăng thì việc giảm thuế TTĐB và thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
UBTVQH đã có quy định nêu rõ chỉ điều chỉnh thuế trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tế phát sinh, dự thảo nghị quyết chỉ trình nguyên tắc giảm thuế chứ không không cụ thể phương án và giao thẩm quyền cho UBTVQH quyết định khi giá xăng dầu tăng cao.
Việc UBTVQH quyết định giảm thuế cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể phải trên cơ sở tính toán, đề xuất của Chính phủ căn cứ tình hình diễn biến giá xăng dầu thực tế và trên cơ sở khả năng cân đối, hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng, dầu trong nước đã qua 26 đợt điều chỉnh giá, trong đó xăng có 13 lần tăng và 12 lần giảm, 1 lần giữ nguyên; dầu có 13 lần giảm và 13 lần tăng giá.
Hiện giá xăng E5 RON92 không cao hơn 21.780 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 22.580 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 22.530 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 22.441 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.656 đồng/kg.
Một 'đại gia' chứng khoán bị truy thu và xử phạt thuế hơn 7 tỷ đồng
Chuỗi cung ứng toàn cầu đứng trước 'đòn kép’ thuế quan - đình công