Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, trong dự thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định số 65, Bộ Tài chính đề xuất "cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu".
Nghiêm túc yêu cầu các tổ chức phát hành thực hiện trả nợ trái phiếu
Sau khi nhận được Công điện (số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ) về thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày 13/12, đến ngày 15/12, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Vụ Tài chính Ngân hàng thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu.
Bộ Tài chính giao Vụ Tài chính ngân hàng phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phù hợp với tình hình thực tiễn, chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách, bảo đảm thị trưởng hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả, an toàn và phát triển bền vững.
Cùng với đó, Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu, tham mưu các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật; tham mưu, dự thảo công văn gửi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng có phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ trái phiếu.
Bộ Tài chính cũng giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục tổ chức làm việc với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn cũng như doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu sắp đáo hạn lớn để có kế hoạch, giải pháp cụ thể chủ động thanh toán cho nhà đầu tư.
Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức phát hành nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, trường hợp khó khăn cần chủ động đàm phán với nhà đầu tư qua các hình thức như gia hạn, điều chỉnh lãi suất, hoán đổi tài sản, hạ giá sản phẩm,...
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng tổ chức làm việc, yêu cầu các công ty chứng chứng khoán rà soát toàn diện hoạt động kinh doanh môi giới phân tích, bảo lãnh tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua; khẩn trương báo cáo kết quả, nhất các công ty có hình thức cam kết như bảo lãnh, mua lại trái phiếu,... để giải quyết các quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
Đề xuất kéo dài kỳ hạn trái phiếu phát hành, chuyển đổi trái phiếu để thanh toán gốc
Ở một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam về việc lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Bộ cũng đồng thời có văn bản trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chảo bản, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Một trong 3 đề xuất sửa đổi được Bộ Tài chính đề cập là việc "cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu".
Được biết, Nghị định số 65 quy định, đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước khi Nghị định có hiệu lực thi hành và còn dư nợ thì “doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành".
Hiện nay thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới trong khi lại có áp lực trả nợ đối với các trái phiếu đáo hạn năm 2023 - 2024 nên để hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn, thời gian gia hạn tối đa là 2 năm.
Việc cho phép gia hạn này về mặt tổng thể thị trường sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023 - 2024 (đối với trái phiếu đáo hạn vào 2023 - 2024, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn thanh toán thì có thể thỏa thuận với nhà đầu tư để gia hạn sang 2005 - 2006 để qua giai đoạn đỉnh nợ).
Theo đánh giá của các chuyên gia, giai đoạn tới, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đã tăng trưởng như hiện nay và đến giai đoạn năm 2025 - 2026 doanh nghiệp sẽ cơ bản giải quyết được các khó khăn về thanh khoản và cơ cấu nợ. Việc gia hạn trái phiếu phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành chấp thuận (như quy định hiện hành), quy định này thống nhất với quy định đối với trái phiếu chào bản ra công chung nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật dân sự hoặc quy định của pháp luật có liên quan, doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác. Việc chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác phụ thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu trên cơ sở các cam kết, điều kiện mà doanh nghiệp phát hành đưa ra đối với từng đối tượng nhà đầu tư.
Do đó, để doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức khác nhau để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật liên quan.
Dự liệu các diễn biến có thể xảy ra
Dẫn nguồn chia sẻ của TS. Đinh Trường Hinh và TS. Phạm Đỗ Chí trên Sài Gòn Giải Phóng mới đây, một số biện pháp liên quan đến câu chuyện trái phiếu tới đây phải được thực hiện một cách minh bạch và công bằng gồm:
Thứ nhất, thiết lập một lực lượng đặc nhiệm (task force) để chuyên lo giải quyết vấn đề nợ (bao gồm trái phiếu) cho các công ty tư nhân sắp hoặc đang có vấn đề về nợ. Task force này cần phải có đại diện của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao dịch chứng khoán và đại diện của công ty.
Thứ hai, nếu chưa có, thì dựa trên Luật Phá sản hiện có, soạn thảo gấp một bộ luật cho phép Chính phủ có thể chiếm hữu (take over) một công ty để bồi thường nợ của công ty này (bao gồm nợ trái phiếu) cho chủ nợ bằng cách bán các tài sản (assets) của công ty này, kể cả đất đai cũng như tài sản trong nước và ngoài nước của công ty cũng như của các lãnh đạo cấp cao đã có nhiều quyền lợi trong công ty phá sản.
Thứ ba, lập ra một chương trình minh bạch và công bằng để bán đấu giá các tài sản của công ty này. Các ngân hàng đã giúp bán các trái phiếu phải chịu một phần trách nhiệm vì đã không làm tròn trách nhiệm ủy thác (fiduciary duty) và do đó phải hoàn trả lại tất cả các lệ phí thu được, cũng như phải đóng góp một phần số tiền bồi thường cho người mua. Cụ thể bao nhiêu thì phải tùy thuộc về mức độ tham gia trong việc bán trái phiếu và phải được giám định bởi các nhà chức trách theo từng trường hợp.
Thứ tư, thành lập một chương trình để dùng số tiền bán được ở trên hầu bồi thường cho những người đã mua trái phiếu theo một tiến trình minh bạch và công bằng.
Thứ năm, tuyên bố trình tự cách giải quyết để phục hồi niềm tin cho dân chúng.
CII nâng vốn điều lệ lên gần 3.200 tỷ đồng
Hiểu đúng về khoản 'hợp đồng hợp tác đầu tư' của Novaland (NVL) sau quý III