Bỏ tư duy 'quản không được thì cấm’ trong kinh doanh xăng dầu
Dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu cần được rà soát lại để thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là dứt khoát phải bỏ tư duy quản không được thì cấm".
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, khi trao đổi với VietNamNet về Dự thảo Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu. Ông cũng nhấn mạnh tới việc cải cách thể chế, tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh.
Còn nhiều điểm bất hợp lý
- Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu, song vẫn còn nhiều đề xuất chưa nhận được đồng thuận. Quan điểm của ông về những đề xuất mới trong dự thảo nghị định lần này ra sao?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Đúng như vậy. Tôi cũng nhận được khá nhiều ý kiến không đồng thuận, thậm chí còn nhận xét một số nội dung khá quan trọng của dự thảo nghị định chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Không những thế, còn xung đột với các quy định của pháp luật có liên quan.
Chẳng hạn, việc không cho thương nhân phân phối (đã đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định) được tự do mua bán xăng dầu của nhau để cung ứng cho thị trường. Hay việc cần có quy định minh bạch môi trường kinh doanh để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa thương nhân phân phối không thuộc hệ thống của thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối do thương nhân đầu mối lập ra.
Đáng chú ý, đối với giá xăng dầu, tại Nghị quyết số 55 năm 2020 đã quy định: “Áp dụng cơ chế giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng”, “xoá bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch, do thị trường quyết định”.
Đặc biệt, Luật giá năm 2023 đã quy định: Xăng dầu không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp tự định giá theo tín hiệu thị trường, trừ khi thị trường có biến động bất thường thì Nhà nước phải áp dụng các biện pháp bình ổn giá, trong đó có biện pháp quy định áp dụng giá tối đa có thời hạn nhất định.
Thế nhưng, theo dự thảo nghị định, trong điều kiện bình thường doanh nghiệp được quyết định giá không vượt qua giá tối đa trên cơ sở thực hiện phép tính cộng các chi phí do Nhà nước áp đặt, định sẵn cụ thể bao nhiêu tiền từ chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức.
Điều đó có nghĩa bản chất vẫn là Nhà nước khống chế giá tối đa. Điều này không phù hợp với khoản 1, Điều 8 Luật Giá.
Mặt khác, theo tinh thần của dự thảo, vẫn có quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng lại không có hướng dẫn về quỹ. Như vậy cũng không phù hợp với khoản 1 Điều 19 Luật Giá đã quy định “Chính phủ quy định về quản lý, trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá và chịu trách nhiệm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý sử dụng quỹ”.
Điều kiện kinh doanh và quyền được kinh doanh là khác nhau
- Nói như vậy, ông đang không đồng ý với đề xuất “không cho thương nhân phân phối mua bán của nhau”? Lý do là gì, thưa ông?
Xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành tại phụ lục số IV, ban hành kèm theo Luật Đầu tư số 61 năm 2020. Do đó, khi quy định điều kiện gì cũng phải tuân thủ theo đúng quy định và các luật khác liên quan.
Vì thế, rất không nên quy định một nội dung coi là điều kiện kinh doanh, nhưng bản chất lại không phải là điều kiện kinh doanh như quy định các thương nhân phân phối không được mua hàng của nhau.
Phải lưu ý, điều kiện kinh doanh và quyền được kinh doanh là khác nhau, cần được quy định minh bạch và không lẫn lộn.
Theo tôi, khi doanh nghiệp đã tuân thủ, đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định thì họ phải có quyền được kinh doanh. Đây chính là quyền được quy định tại Luật Thương mại.
Tôi từng nghe ban soạn thảo trả lời: “Các thương nhân phân phối muốn được mua bán lẫn nhau như thương nhân đầu mối thì hãy bảo đảm đủ điều kiện để trở thành đầu mối”. Nếu tư duy theo kiểu này, rõ ràng việc thương nhân được mua bán lẫn nhau không phải là điều kiện kinh doanh.
- Bộ Công Thương cho rằng việc đưa ra đề xuất trên một phần dựa vào kết luận của Thanh tra Chính phủ là "Việc quy định các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối được quyền mua xăng dầu lẫn nhau đã gây ra tổng nguồn tạo ra không chuẩn xác, ảnh hưởng đến điều hòa cung cầu, không những thế còn tạo ra tầng nấc mua qua bán lại để hưởng chênh lệch giá, chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu"... Theo ông, dự thảo mới đã giải quyết được vấn đề này chưa? Lý do đó có thoả đáng?
Thanh tra Chính phủ đã có kết luận đó tại cuộc thanh tra về chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu giai đoạn từ năm 2017 đến ngày 30/6/2021. Nhưng thực tế, việc quản lý kinh doanh xăng dầu hiện nay đã khác.
Vì vậy, tôi cho rằng việc thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau như quy định hiện hành là điều bình thường, không trái với Luật Thương mại.
Bởi, việc đảm bảo lượng xăng dầu để cân đối điều hòa tổng cung - cầu của nền kinh tế, không phải khởi điểm từ lượng xăng dầu của các thương nhân phân phối mà bắt nguồn từ cầu của nền kinh tế và sản lượng nhập khẩu, mua từ sản xuất trong nước của các thương nhân đầu mối, theo kế hoạch phân giao của Bộ Công Thương.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại nhiều cuộc họp, công tác quản lý, kinh doanh xăng dầu đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối giữa Bộ với thương nhân đầu mối. Đây là căn cứ tin cậy để Bộ nắm chắc được lượng cung xăng dầu thực tế từ “đầu nguồn”. Các thương nhân phân phối dù có mua bán lẫn nhau cũng không thể làm cho lượng cung tăng lên hay giảm đi một cách ảo được.
Ngược lại, các thương nhân phân phối thiết lập hệ thống tại các vùng được mua bán hàng của nhau sẽ có lực lượng bổ sung cho nhau, chủ động điều hoà cung cầu cho phạm vi vùng mình phụ trách, bảo đảm tính linh hoạt và ứng phó kịp thời với tình trạng thiếu hụt xăng dầu, ngăn ngừa rủi ro tiềm ẩn về đứt gãy nguồn cung cục bộ xảy ra.
Khi có giá thị trường hình thành từ cung cầu, cạnh tranh đúng nghĩa điều tiết kinh doanh thì tự thị trường sẽ hình thành mức giá hợp lý, các doanh nghiệp không dễ muốn cộng chi phí nào, bao nhiêu vào giá cũng được.
Phải để doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu
- Tôi muốn bàn kỹ hơn vấn đề để doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu và quỹ bình ổn. Chúng ta cần xây dựng thế nào nhằm đảm bảo hài hoà được các yếu tố bất hợp lý nêu trên, thưa ông?
Theo tôi, cần đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá theo quy định của Luật Giá theo hướng: Giá xăng dầu là mặt hàng không phải do Nhà nước định giá, mà là mặt hàng bình ổn giá; còn việc quy định giá là do doanh nghiệp tự quyết định giá.
Tức là, phải nhất quán bảo đảm quyền thực sự cho doanh nghiệp tự định giá, thoả thuận về giá và cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường, chứ không phải doanh nghiệp được quyền tự đánh giá không vượt mức chi phí, lợi nhuận (hoặc mức giá tối đa) do Nhà nước quy định như dự thảo nghị định.
Giao quyền định giá cho doanh nghiệp không có nghĩa là Nhà nước “buông” hay “thả nổi” để doanh nghiệp tự định giá thế nào cũng được. Nhà nước vẫn phải kiểm soát, điều tiết quyền đó của doanh nghiệp bằng những hình thức thích hợp. Ví như: Nhà nước quy định, hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc tính giá, căn cứ tính giá, phương pháp tính giá (gồm phương pháp tính các chi phí, lợi nhuận cho tất cả các khâu giá bán buôn, bán lẻ) để doanh nghiệp có chuẩn mực tính toán theo nguyên tắc thị trường; quy định rõ thẩm quyền quyết định giá, điều chỉnh giá.
Cùng với đó, thực hiện cơ chế hậu kiểm để xem xét, kiểm tra việc tính giá theo các hướng dẫn trên, nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường định giá bất hợp lý gây phương hại đến lợi ích của Nhà nước và người dân. Khi thị trường có biến động, doanh nghiệp phải tuân thủ và thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Nhà nước quy định.
Đối với Quỹ bình ổn giá, dự thảo nghị định cần quy định minh bạch về nguồn tạo theo hướng cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước cùng có trách nhiệm chung tay bình ổn giá cho nền kinh tế, gồm: nguồn trích từ giá xăng dầu, doanh nghiệp đóng góp một phần từ lợi nhuận, Nhà nước đóng góp một phần thông qua thuế...
Quy định cơ chế quản lý quỹ để tại kho bạc Nhà nước với điều kiện cơ chế chuyển vào rút ra phục vụ bình ổn giá nhanh, kịp thời... khác với quy trình, thủ tục chi tiêu từ nguồn ngân sách Nhà nước. Mọi hoạt động của quỹ (trích lập, sử dụng, tồn quỹ) phải được kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý quỹ, kho bạc và doanh nghiệp trên cơ sở một đầu mối chính, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của quỹ.
Tôi cho rằng, dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu cần được rà soát lại để thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là “dứt khoát phải bỏ tư duy quản không được thì cấm”, đồng thời cải cách thể chế, tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh.
>> Để kinh doanh xăng dầu tiến gần hơn với cơ chế thị trường